5 thách thức lớn nhất của Apple tại Trung Quốc

05-02-2024 15:07|Du Lam

Tâm lý tiêu dùng thận trọng kết hợp với cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt từ một Huawei đang trẻ hóa, đặt ra những thách thức không nhỏ với Apple tại Trung Quốc.

Doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc trong quý IV/2023 đã giảm gần 13% xuống còn 20,8 tỷ USD. Trung Quốc từng được coi là động lực tăng trưởng chính của công ty, nhưng năm 2023, tâm lý người tiêu dùng thận trọng kết hợp với sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt từ Huawei, đã đặt ra thách thức không nhỏ với Apple. Năm 2024, tình hình có thể không khá hơn.

Giám đốc nghiên cứu cấp cao Will Wong của IDC không kỳ vọng tăng trưởng lô hàng iPhone sẽ trở lại vùng tích cực trong năm nay tại Trung Quốc. Huawei dự kiến sẽ vẫn là đối thủ cạnh tranh chính trong khi các công nghệ tiên tiến hơn như AI và smartphone gập thu hút nhiều sự chú ý hơn từ người tiêu dùng.

>> Mất tiền tỷ vì bị lừa cài phần mềm dịch vụ công giả mạo, đổi ngoại tệ

Vậy Apple phải đối mặt với những thách thức nào tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Sự trở lại của Huawei

Năm ngoái, Huawei đã ra mắt smartphone Mate 60 mới, có kết nối 5G. Đây là một bất ngờ lớn đối với thế giới. Lý do là vào năm 2019 và 2020, chính phủ Mỹ giáng nhiều đòn trừng phạt vào Huawei, cắt đứt khả năng tiếp cận chip và công nghệ cần thiết cho 5G. Nó cũng hạn chế quyền truy cập các phần mềm Google, làm tê liệt hoạt động kinh doanh thiết bị cầm tay của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc.

apple china 800x534.jpg
Huawei thực sự đang mang đến những thách thức mới cho Apple tại Trung Quốc. (Ảnh: Future Publishing) 

Huawei thực sự là thách thức lớn duy nhất đối với Apple ở Trung Quốc trong phân khúc cao cấp. Sau khi điện thoại của Huawei mất khả năng cạnh tranh do thiếu 5G và không có chất bán dẫn tiên tiến, khách hàng đổ xô đến iPhone. Giờ đây, với Mate 60, Huawei đang nhìn thấy những dấu hiệu ban đầu của sự hồi sinh.

"Sự hồi sinh của Huawei trên thị trường smartphone cao cấp đang thu hút trở lại những người từng chuyển sang Apple vì Huawei không thể phát hành điện thoại thông minh 5G trong ba năm qua", Neil Shah, nhà quản lý tại Counterpoint Research, chia sẻ với CNBC.

Trong quý cuối năm 2023, Huawei đã trở lại danh sách 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu tại Trung Quốc.

Cạnh tranh trên phân khúc cao cấp

Không chỉ Huawei đang thách thức Apple, các thương hiệu nội địa khác từ Xiaomi đến Oppo đã và đang dần đẩy mạnh vào thị trường cao cấp nhưng với giá rẻ hơn.

"Những thiết bị cao cấp này không chỉ có giá cạnh tranh, giá khởi điểm chủ yếu từ 3.999 NDT (563 USD), mà còn tự hào về các tính năng tương tự như trong điện thoại đắt tiền", Shah nói. "Sự cạnh tranh gia tăng này gây áp lực lên cả các mẫu cũ của Apple và các mẫu cơ bản của dòng sản phẩm mới của hãng."

Người tiêu dùng thận trọng

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với một số thách thức, từ sự sụp đổ trong lĩnh vực bất động sản đến nhu cầu tiêu dùng yếu. Những thách thức này có thể tiếp tục vào năm 2024 và ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Khi đó, những mẫu máy cao cấp rẻ hơn iPhone có thể hấp dẫn. Josh Koren, người sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Musketeer Capital Partners, chỉ ra tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc là “Tôi không cần trả thêm tiền cho chiếc điện thoại này khi có thể mua phiên bản rẻ hơn”.

Apple không còn “ngầu” nữa?

Trong một thời gian dài, Apple đã được xem là một thương hiệu xa xỉ ở Trung Quốc với sức hút cao đối với khán giả trẻ tuổi. Điều đó có thể đang thay đổi.

Theo Koren, thương hiệu Apple không còn sức hút bóng bẩy với Gen Z như trước. Trong khi nhiều đối thủ cạnh tranh từ Samsung đến Honor đã tung ra smartphone gập, Apple lại không.

“Táo khuyết” thường không phải là người tiên phong vì họ muốn chờ đợi để xem liệu một danh mục có cất cánh hay không. Nhiều nhà sản xuất smartphone đang nói về các tính năng trí tuệ nhân tạo trên thiết bị của họ, điều mà Apple cũng chưa làm được.

Điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về sự đổi mới của Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh. Koren cho rằng đây có thể là một trong những lý do khiến thương hiệu Apple bị ảnh hưởng. Theo chuyên gia, để đổi mới đến mức mang danh tiếng trở lại với iPhone là điều rất khó.

Rủi ro địa chính trị

Giống như nhiều công ty công nghệ nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc, bóng ma địa chính trị liên tục treo lơ lửng. Năm 2023, tờ Bloomberg trích dẫn nguồn tin cho biết Trung Quốc đã gia hạn lệnh cấm nhân viên tại các cơ quan chính phủ và các công ty quốc doanh ngừng mang iPhone và các thiết bị nước ngoài khác đến nơi làm việc.

(Theo CNBC)

>> Meta kiếm bộn tiền từ Trung Quốc bất chấp bị 'cấm cửa'

Là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, tại sao Trung Quốc không cần đóng góp quỹ khí hậu toàn cầu?

Máy bay không người lái cỡ lớn đâm vào Trung tâm thể thao Olympic, gây cháy dữ dội

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/huawei-va-5-thach-thuc-lon-nhat-cua-apple-tai-trung-quoc-2247212.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    5 thách thức lớn nhất của Apple tại Trung Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH