Dù thị trường vừa có nhịp hồi tích cực phiên 17/5/2022 song điểm tiêu cực chính là việc dòng tiền tiếp tục suy yếu; nhà đầu tư vì các quan ngại nào đó tiếp tục e dè chuyện xuống tiền bắt đáy hoặc tích lũy dần cổ phiếu tốt.
Thị trường chứng khoán kết phiên 17/5/2022 bất ngờ tăng dựng. VN-Index tăng 56,42 điểm (4,81%) lên 1.228,37 điểm. Nếu tính từ đáy ngày chỉ số ghi nhận tăng hơn 70 điểm; toàn sàn có 425 mã tăng (151 mã tăng trần), 58 mã giảm và 22 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 8,39 điểm (2,73%) lên 315,44 điểm; toàn sàn có 202 mã tăng (51 mã tăng trần), 38 mã giảm và 22 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 2,64 điểm (2,83%) lên 95,84 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên trước đó. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.146 tỷ đồng - giảm 2,6%.
Dù thị trường có nhịp hồi khá tích cực song điểm tiêu cực chính là việc dòng tiền tiếp tục suy yếu, nhà đầu tư vì các quan ngại nào đó tiếp tục e dè chuyện xuống tiền bắt đáy hoặc tích lũy dần cổ phiếu tốt.
CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, dưới góc độ phân tích kỹ thuật của TVSI chỉ số kết phiên bằng nến Bullish Engulfing (Bao phủ và tăng trưởng) một mẫu mình cho thấy xác suất tạo đáy rất cao.
Bên cạnh đó, theo TVSI, thanh khoản chưa cải thiện do số lượng cổ phiếu tăng giá trần quá nhiều trong khi người cầm cổ phiếu không tiếp tục bán ra nên ở các phiên giao dịch tới thanh khoản sẽ tự cải thiện khi cung cầu gặp nhau ở vùng giá cao hơn. TVSI cho rằng xác suất cao thị trường đã tạo đáy ngắn hạn thành công song các áp lực bán có thể tạo ra các nhịp điều chỉnh trong những phiên tới.
Trong bối cảnh thị trường tâm lý thị trường vẫn chưa thực sự ổn định, các chuyên gia phân tích cho rằng, điều cần thiết nhất bây giờ với nhà đầu tư là giữ tài khoản an toàn và chờ điểm cân bằng của thị trường. Cụ thể, cần duy trì trạng thái tài khoản hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng margin.
Việc thị trường giảm điểm mạnh, rất nhiều cổ phiếu được chiết khấu với giá thấp. Nhiều nhà đầu tư có vị thế kẹt hàng gần như sẽ có tâm lý muốn mua vào để quân bình giá.
Trên một số diễn đàn, nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng chia sẻ phương pháp “cưa chân bàn”, tức là chọn mua cổ phiếu ở giá thấp, canh khi hồi lên là bán ra cổ phiếu đã mua có sẵn trong tài khoản để hạ giá vốn. Tuy vậy, hành động này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có kinh nghiệm và thời gian canh bảng, trading liên tục.
Một nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận, thị trường đang có phản ứng thái quá, các thị trường khác đang có mức giảm ít hơn thị trường Việt Nam trong khi nền kinh tế Việt Nam ổn định hơn và đang phục hồi, lạm phát cũng thấp hơn nhờ hàng hóa dồi dào. Mức giá hiện nay đã có thể mua dần, cơ bản đã đủ hấp dẫn nhưng sẽ phân hoá; tiêu chí ưu tiên là nên mua cổ phiếu đầu ngành, nợ vay ít, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các yếu tố đầu vào và dư địa đầu ra tốt.
Tương tự, một nhà đầu tư khác cho rằng, đây là vùng đã có thể giải ngân nhưng để “ăn nhanh” thì chắc chắn chưa; mua giai đoạn này là cho mục tiêu dài hạn. Vị này cũng tiết lộ “nhiều nhà đầu tư lớn trong nhóm đang mua dần”.
Trong khi đó, theo ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, đầu tư là kỳ vọng tương lai và ông nhận thấy nhiều cơ hội đang mở ra với nền kinh tế Việt Nam cũng như thị trường chứng khoán. Chẳng hạn, chính sách Zero Covid của Trung Quốc là cơ hội để thu hút vốn FDI và FII vào Việt Nam càng lớn.
Ngoài ra, động lực cho thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm vẫn là gói kích thích kinh tế, đầu tư công, việc hợp tác thương mại với các thị trường phát triển như Mỹ…
Thực tế cũng cho thấy, cơ hội luôn hiện hữu trên thị trường chứng khoán, kể cả trong xu hướng thị trường giảm; nếu mua đúng cổ phiếu có khả năng tăng, nhà đầu tư vẫn có cơ hội sinh lời. Một ví dụ là trong nhịp giảm của thị trường chung trong tháng 4/2022, vẫn có những cổ phiếu ngành hàng hóa thiết yếu, dầu khí “lội ngược dòng”. Chỉ có điều, trong một xu hướng giảm điểm (down trend), số lượng mã giảm sẽ áp đảo mã tăng, nên việc chọn được cổ phiếu ngược xu hướng sẽ khó hơn bình thường.
Với nhiều nhà đầu tư chọn cầm cổ phiếu trung hạn, kết quả kinh quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 sau mùa đại hội cổ đông đang là mối quan tâm chính. Trước tác động của các sự kiện lớn cũng như sự cẩn trọng hơn với nhóm cổ phiếu đầu cơ, nhà đầu tư sẽ lựa chọn khẩu vị là cổ phiếu của các doanh nghiệp quản trị minh bạch và hưởng lợi trong thời gian tới.
Các mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2022 cũng như kế hoạch trả cổ tức định kỳ theo năm sẽ là những yếu tố tích cực tác động lên kỳ vọng của các cổ phiếu.
Tại hội thảo của Finn Group mới đây, các chuyên gia đã liệt kê những nhóm ngành có triển vọng tăng giá trong quý II và III/2022. Đó là nhóm xuất khẩu (gồm logistics có kết quả kinh doanh quý I tăng 77%, P/E dự phóng 2022 là 17,8; vận tải thủy tăng trưởng lợi nhuận quý I là 85,3%, P/E là 20,9 lần); nhóm thủy sản - tăng trưởng lợi nhuận quý I là 263,2%, P/E là 10,5 lần; nhóm bán lẻ - tăng trưởng lợi nhuận 23,1%, P/E 17 lần; nhóm điện - tăng trưởng lợi nhuận 75,9%, P/E 27,8 lần; nhóm công nghệ thông tin - tăng trưởng lợi nhuận 47,3%, P/E 19,1 lần.
Theo các chuyên gia, các cổ phiếu được xem là địa chỉ “trú ẩn trong bão” thị trường phải đáp ứng được các tiêu chí:
- Thứ nhất, tỷ suất cổ tức thực trả cho năm 2022 (Tỷ lệ cổ tức thực trả/Thị giá lớn hơn 6%, không bao gồm phần cổ tức đã tạm ứng);
- Thứ hai, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) dự báo năm 2022 lớn hơn cổ tức kế hoạch 2022;
- Thứ ba, doanh thu/lợi nhuận sau thuế tăng trưởng trong 3 trên 5 quý gần nhất;
- Thứ tư, triển vọng lợi nhuận 2023 khả quan;
- Thứ năm, khối lượng giao dịch bình quân 3 tháng lớn hơn 50.000 cổ phiếu/phiên;
- Thứ sáu, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (freefloat) lớn hơn 20%.
BID kéo VN-Index, cổ phiếu VCA tạo mô hình cây thông?
Nhận định chứng khoán 16 - 20/12: Cân nhắc khả năng VN-Index lùi về 1.240 điểm