750.000 USD hàng bị hủy, 1 triệu USD máy móc không thể di dời: Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc 'chết đứng' vì thuế 145%
CEO ước tính mình còn khoảng một tháng để xoay chuyển tình thế.
Ngày 9/4, những dòng email hủy đơn hàng bắt đầu dồn dập đổ về. Đó cũng là thời điểm mức thuế 145% mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Khách hàng đồng loạt hủy đơn mua đồ chơi từ nhà máy của công ty Huntar tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Nhưng Jason Cheung, CEO 45 tuổi của Huntar, đã tiên liệu trước điều này. Ông tạm ngừng sản xuất tại nhà máy rộng 60.000 m² ở Thiều Quan – nơi từng cho ra đời các sản phẩm đồ chơi giáo dục bán tại Walmart và Target, bao gồm dòng Numberblocks nổi tiếng giúp trẻ em học toán. “Tôi cần bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt”, Cheung chia sẻ.

Chỉ trong 4 tuần, ông cắt giảm 60-70% sản lượng, sa thải 1/3 trong số 400 công nhân Trung Quốc, và giảm giờ làm lẫn lương đối với những người còn lại. Giờ đây, Cheung dốc sức vào một canh bạc liều lĩnh: chuyển toàn bộ hoạt động sang Việt Nam trước khi công ty do cha ông sáng lập cách đây 42 năm cạn kiệt tiền mặt.
Ông ước tính mình còn khoảng một tháng để xoay chuyển tình thế.
Biểu tượng thu nhỏ của cuộc khủng hoảng ngành đồ chơi Trung Quốc
Trường hợp của Huntar là ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng mà hàng loạt nhà máy tại Trung Quốc đang đối mặt. Theo Hiệp hội Đồ chơi Mỹ, khoảng 80% số lượng đồ chơi bán tại Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc. Các đơn hàng mới giảm mạnh giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Tuy nhiên, Huntar cũng là trường hợp đặc biệt: một công ty Mỹ sở hữu nhà máy tại Trung Quốc, ở đúng điểm giao thoa của cuộc chiến thương mại.
Trên lý thuyết, Cheung là “hình mẫu phản diện” của ông Trump: một chủ nhà máy Trung Quốc cướp việc làm của người Mỹ. Nhưng thực tế, ông cũng là doanh nhân nhỏ người Mỹ gốc Hoa, điều hành công ty gia đình thế hệ thứ hai, tạo việc làm cho 15 người tại Mỹ – những người sẽ thất nghiệp nếu Huntar sụp đổ.
Ông Trump từng tuyên bố mức thuế cao sẽ buộc doanh nghiệp phải rút khỏi Trung Quốc. Nhưng Huntar lại cho thấy lý do vì sao điều đó khó thành hiện thực: thiếu nhà máy và nhân công có kỹ năng ở các nước khác, thiết bị máy móc nặng hàng tấn khó di chuyển và chi phí thay mới có thể lên tới hàng triệu USD, trong khi thời gian thì không còn nhiều.
Kịch bản dễ xảy ra hơn là các nhà máy như Huntar đóng cửa hoàn toàn – viễn cảnh đang khiến Trung Quốc phải xuống thang và đàm phán lại với Mỹ tại Geneva vào cuối tuần qua, theo ba nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc nói với Reuters.

Một quan chức cho biết Trung Quốc khó có thể thay thế nhu cầu từ Mỹ đối với các ngành hàng như đồ chơi, nội thất và dệt may – những lĩnh vực đã bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng từ mức thuế.
Trong lúc đàm phán bắt đầu, ông Trump để ngỏ khả năng giảm thuế xuống 80%. Nhưng với Cheung, thuế trên 50% đã là ngưỡng không thể chịu đựng nổi. “Giữa 80% và 145% không có khác biệt gì thực tế cả”, ông nói.
Cheung từng trải qua khủng hoảng – từ suy thoái năm 2008 đến đại dịch COVID-19 – nhưng ông khẳng định: “Chưa bao giờ mọi thứ sụp đổ chỉ sau một đêm như lần này”.
Giờ đây, mỗi ngày ông làm mới kết quả tìm kiếm từ khóa ‘tariff’ trên Google 5-6 lần, mong chờ có tia hy vọng.
Huntar sản xuất đồ chơi cho các công ty tại Mỹ, Canada và châu Âu như Learning Resources Inc và Play-a-Maze. Họ phân phối tới các nhà bán lẻ hoặc bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Huntar cũng có dòng sản phẩm riêng mang tên Popular Playthings, nhưng đã buộc phải dừng xuất khẩu sang Mỹ, khiến công ty thiệt hại hàng trăm nghìn USD.
Các nhà máy do người Mỹ sở hữu tại Trung Quốc rất hiếm – do rào cản pháp lý nghiêm ngặt, theo luật sư Dan Harris, chuyên gia về luật sản xuất quốc tế. Nhưng Huntar lại có nguồn gốc đặc biệt: do cha của Cheung thành lập từ năm 1983.
Cheung lớn lên tại khu Inner Richmond, San Francisco. Ông vẫn sử dụng chiếc bàn làm việc mà cha ông từng kê trong phòng khách thuở ban đầu. “Chúng tôi nghĩ nó đem lại may mắn”, ông kể.
Nhưng vài tuần gần đây thì không còn chút may mắn nào. Nhà máy hiện bị “kẹt” với lô hàng trị giá 750.000 USD bị hủy, mà kể cả khi chiến tranh thương mại kết thúc ngay lập tức, chi phí vận chuyển tăng vọt vì tắc nghẽn hậu cần sẽ khiến ông không thể hồi vốn. Sau đại dịch, Cheung nhớ lại, giá vận chuyển container đã tăng từ 2.000 USD lên hơn 20.000 USD.
“Cheung không đáng phải chịu đựng như vậy”, Rick Woldenberg, CEO của Learning Resources – khách hàng lâu năm của Huntar, nói. Công ty này cũng đã hủy toàn bộ đơn hàng tương lai tại Trung Quốc, do mức thuế nhập khẩu hằng năm dự kiến tăng từ 2 triệu USD lên 100 triệu USD.
Một khảo sát tháng 4 của Hiệp hội Đồ chơi cho thấy hơn 45% công ty nhỏ và vừa tại Mỹ nói rằng họ có thể phá sản chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng tới vì thuế Trung Quốc.
Chuyển nhà xưởng? Không đơn giản là “xách ba lô lên và đi”
Cheung đã gọi hàng chục cuộc điện thoại tới các nhà máy tại Việt Nam, tìm kiếm một “mái nhà” mới cho Huntar. Chuyển nhà máy về Mỹ là bất khả thi – mức lương ở Mỹ cao tới mức “ở lại Trung Quốc chịu thuế còn rẻ hơn”.
Ngay cả ở Việt Nam, rào cản cũng ngút ngàn. Không chỉ mất thời gian tìm nhà xưởng đủ lớn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ông vẫn phải tuyển dụng, đào tạo công nhân mới, kiểm tra chất lượng và an toàn sản phẩm – mất ít nhất vài tháng.

Cơ sở hạ tầng cũng là một vấn đề lớn. Nhà máy Huntar hiện sử dụng năng lượng mặt trời, hệ thống HVAC và xử lý nước thải chuyên dụng, cùng hơn 30 máy ép nhựa công nghiệp nặng hàng tấn – gần như không thể di dời. “Tôi không biết đào đâu ra hơn 1 triệu USD để mua máy mới”, ông nói.
Phương án khả thi hơn là chuyển giao một phần sản xuất và đóng cửa mảng gia công cho khách hàng bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu vẫn giữ toàn bộ nhà máy tại Trung Quốc với hy vọng thuế sẽ giảm, đó sẽ là một canh bạc cực lớn. Nếu thuế được cắt giảm sớm, Huntar sống sót. Nếu không, ông mất trắng. Chi phí duy trì nhà máy trong khi chỉ sản xuất 1 phần nhỏ công suất có thể khiến công ty sụp đổ trong vài tuần tới.
Thật khó để cắt gọn một doanh nghiệp từng là biểu tượng của “giấc mơ Mỹ”. Cha Cheung đã tới Mỹ để lập nghiệp, gây dựng công ty với hy vọng truyền lại cho con cháu. Nay, ông cảm thấy tuyệt vọng. “Mỹ từng là miền đất hứa”, Cheung nói. “Nhưng giờ mọi chuyện đã thay đổi".
Theo Reuters
>> Trung Quốc âm thầm ‘cắm cờ’ tại hơn 30 cảng biển, EU vội vã ‘vá’ lỗ hổng an ninh