8 cung đèo Việt Nam gây ấn tượng với hàng chục khúc cua tay áo: Thách thức phượt thủ và dân ưa mạo hiểm tới trải nghiệm
Không chỉ thế, đây cũng là 8 cung đèo có khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất Việt Nam.
Mã Pí Lèng - vua của những cung đèo trên Hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng Hà Giang là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vô cùng hiểm trở tại Việt Nam. Nhưng đối với giới trẻ yêu khám phá, thích trải nghiệm thì đây luôn là một trong những điểm du lịch nhất định phải đến một lần trong đời.
Tọa lạc trên quốc lộ 4C, xã Pả Vi và Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – đèo Mã Pí Lèng Hà Giang có chiều dài khoảng 20 km và nằm ở độ cao khoảng 1200m so với mực nước biển. Mã Pí Lèng đóng vai trò là cung đường chính nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Hà Giang được ví như “nàng thơ” của núi rừng với nét đẹp dịu dàng, trong trẻo và thanh bình của tạo hóa ban tặng cho nơi đây. Vì thế, du khách hoàn toàn có thể chinh phục đèo Mã Pí Lèng Hà Giang vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Cụ thể:
- Tháng 1-3 là mùa hoa mận, hoa đào, bạn sẽ có những bức hình check in tuyệt đẹp với phong cảnh lãng mạn, tràn ngập sắc hoa.
- Tháng 4 có chợ tình Khâu Vai – phiên chợ độc đáo, một năm có một lần và dành cho những đôi lứa yêu nhau nhưng chuyện tình vẫn còn dang dở.
- Tháng 5 mùa nước đổ ải lấp lánh sắc màu – một trong những sản phẩm mà thiên nhiên chỉ ban tặng riêng cho các bản làng khu vực Tây Bắc.
- Tháng 9 mùa lúa chín, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp như trong tranh với những cánh đồng lúa bậc thang vàng rực rỡ.
- Tháng 10, 11 mùa hoa tam giác mạch – mùa hoa chỉ có riêng ở Tây Bắc.
- Tháng 12 mùa hoa cải, bạn có thể chụp hình với hoa cải bát ngát thậm chí bắt gặp tuyết trắng rơi vào thời điểm này.
Đèo Pha Đin - Nơi trời đất gặp nhau của Tây Bắc
Đèo Pha Đin nối liền 2 tỉnh Điện Biên - Sơn La có độ cao 1.648m so với mực nước biển. Đèo còn có tên gọi là Phạ Đin, theo ngôn ngữ của dân tộc Thái thì Phạ là trời, Đin là đất - Phạ Đin là nơi trời và đất gặp nhau. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, con đèo này đã hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn trút xuống, giờ đây nó đã trở thành Di tích Quốc gia và là một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng Tây Bắc.
Năm 2005, chính phủ quyết định đầu tư nâng cấp tuyến quốc lộ 6 lên Tây Bắc. Trong đó, đoạn Sơn La - Tuần Giáo được thi công từ năm 2006 đến năm 2009 thì hoàn tất, chia đèo Pha Đin thành 2 tuyến cũ và mới từ ngã 3 đỉnh đèo:
- Đèo Pha Đin Cũ : dài 32km (từ km 360 đến km 392, nằm trên quốc lộ 6 cũ) có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển; và khoảng 125 khúc cua nổi tiếng hiểm trở, đường hẹp, nhiều đoạn chỉ đủ cho một ôtô đi qua.
- Đèo Pha Đin Mới : được xây bám theo sườn núi phía trái quốc lộ 6 cũ, chiều dài giảm còn 26km với khoảng 60 khúc cua, có cua rộng tới 60 mét, độ dốc hạ xuống còn 8%, đặc biệt mặt đường rộng gấp gần 2 lần so với trước.
Từ khi tuyến đèo Pha Đin Mới được đưa vào sử dụng đã giúp xe cộ lưu thông an toàn hơn, còn tuyến đèo Pha Đin Cũ chỉ còn phù hợp cho người dân bản địa hoặc những du khách ưa mạo hiểm tìm đến chinh phục, khám phá.
Dù chinh phục đèo Pha Đin cũ hay mới, du khách cũng có dịp mãn nhãn với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và ngoạn mục. Nhìn từ xa, cung đèo như sợi dây thừng buộc nối những quả núi với nhau, lơ lửng giữa mây trời. Cái ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, lên xuống của đường đèo đẹp như thể chỉ trong tranh.
Từ dưới chân đèo đã mê mẩn với những bản làng mộc mạc, nằm yên bình giữa thung lũng mướt xanh. Lên lưng chừng đèo, thảm cây rừng bảng lảng màn sương, thi thoảng điểm chấm đỏ, tím của hoa gạo, hoa sim. Đến ngã 3 đỉnh đèo, cái lạnh vùng cao quấn quýt, không gian mở ra mênh mông, thảm mây quyện chặt bồng bềnh, núi đồi trùng điệp xa xa...
Đèo Ô Quy Hồ - Tiên cảnh nơi phố núi
Ô Quy Hồ được biết đến là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và và có cảnh quan hùng vĩ bậc nhất ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam với chiều dài gần 50km.
Đèo nằm bên cạnh quốc lộ 4D chạy qua dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo là ranh giới hai tỉnh. Trong suốt chiều dài đó, có 1/3 quãng đường thuộc thị xã Sapa, Lào Cai, và 2/3 còn lại thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu. Đỉnh đèo Ô Quy Hồ cách thị xã Sapa khoảng 10km và cách thành phố Lai Châu khoảng 60km.
Nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, khung cảnh đèo Ô Quy Hồ hiện ra hết sức ngoạn mục: một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi sừng sững, bao quanh bởi mây và sương mù bảng lảng. Và khi trời trong, cũng là lúc bức tranh thanh bình của thung lũng Mường Hoa được tỏ hiện rõ nét.
Đèo Ô Quy Hồ còn mang tên “đèo Hoàng Liên”, hay “đèo Hoàng Liên Sơn” do chạy ngang dãy Hoàng Liên Sơn, và thơ mộng hơn là “đèo Mây” bởi nơi này mây phủ quanh năm.
Đèo Ô Quy Hồ cùng với đèo Mã Pì Lèng, đèo Pha Đin và đèo Khau Phạ là tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc. Ngoài ra, đèo Ô Quy Hồ còn được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là đèo dài nhất Việt Nam.
Đèo Khau Phạ - Đường dẫn đến cổng trời nơi vùng cao Yên Bái
Có chiều dài khoảng tầm 30km, Đèo Khau Phạ tọa lạc ở địa thế cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển, thuộc địa phận tỉnh Yên Bái. Đèo Khau Phạ còn là điểm phân chia ranh giới giữa hai huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải nơi rẻo cao Tây Bắc.
Sở dĩ đèo có tên Khau Phạ là bởi vì theo tiếng dân tộc, Khau Phạ nghĩa là ‘Sừng trời’. Mọi người đặt cho cung đường đèo cái tên này là điều tương đối dễ hiểu. Bởi vì khi nhìn từ xa, Đèo Khau Phạ tựa như một chiếc sừng mọc đứng thẳng lên tận tầng trời với quanh năm sương mây lãng đãng phủ trắng đỉnh đèo.
Nếu như bạn muốn nhìn ngắm khung cảnh vùng cao Yên Bái rực rỡ với những thửa ruộng bậc thang vào mùa lúa chín trĩu đòng, đừng bỏ qua cơ hội chinh phục Đèo Khau Phạ vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 10. Đây cũng là lúc Khau Phạ đẹp nhất trong năm với sự thay đổi màu sắc của những thửa ruộng bậc thang.
Điều ấn tượng nhất đối với mỗi người trong hành trình chinh phục đèo Khau Phạ, ắt hẳn không gì khác ngoài những góc nhìn cực xịn hướng thẳng ra toàn bộ non cao Yên Bái. Nếu có dịp đến với đoạn chân đèo Khau Phạ, khi nhìn lên trên, bạn sẽ có thể thấy phần đỉnh đèo tựa như một chiếc sừng cong vút sừng sững chọc thẳng đến tận tầng trời. Chung quanh đỉnh đèo là quanh năm sương mây lãng đãng, khiến cho khung cảnh càng thêm phần lãng mạn khó có thể diễn tả nên lời.
Đèo Mã Phục - Cung đường đẹp nhất vùng Đông Bắc
Đèo Mã Phục tọa lạc ở xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Đèo Mã Phục còn được gọi là đèo 7 tầng, bởi khi chinh phục đoạn đèo này du khách sẽ phải trải qua 7 tầng dốc, các con dốc uốn lượn lên xuống kéo dài khoảng 4km và cao khoảng 700m so với mặt nước biển.
Đường đèo Mã Phục khá đẹp nhưng lại quanh co và gấp khúc, 1 bên là núi đá cheo leo, một bên vực sâu hoặc khe núi hẹp, chính vì vậy mà khi đi muốn chinh phục cung đường này hãy chắc rằng mình cứng tay lái hoặc có thể tìm cho mình một người bạn đồng hành đáng tin cậy.
Ghé ngang qua cung đường đèo Mã Phục du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hai bên đường có hai khối đá vôi dựng đứng và châu đầu vào nhau như hai con ngựa đang nằm phục dưới đất, chính vì vậy mà đèo có tên gọi là Mã Phục.
Nơi đây có khá nhiều truyền thuyết nói về tên gọi của đèo Mã Phục, một trong số đó gắn liền với huyền thoại người anh hùng dân tộc Nùng Chí Cao. Vào thế kỷ thứ 11, Nùng Chí Cao đã lãnh đạo nhân dân chống lại nhà Tống ở phía Bắc, và chiếm được 1 phần lãnh thổ nhà Tống mà ngày nay gọi là Quảng Đông và Quảng Tây. Tuy nhiên xưng Vương được khoảng 3 năm thì Nùng Chí Cao đã bị tiêu diệt. Sau khi bị truy đuổi và bị thương, cả người cả ngựa đã nằm gục tại đèo Mã Phục, tên gọi gắn liền đến ngày nay của con đèo.
Chạy trên cung đường đèo du khách sẽ được tận hưởng được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đồi núi nhấp nhô, phong cảnh nguyên sơ của núi rừng Đông Bắc và cũng không kém phần nên thơ bởi quang cảnh đồng xanh cỏ nội của những bản làng dưới thung lũng. Đặc biệt hơn đèo Mã Phục còn được xếp vào di sản địa chất của công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng do UNESCO công nhận.
Đèo Pha Long - Đường đèo cheo leo vắt vẻo với đá hộc ngả nghiêng
Cách trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai) hơn 10km về phía Bắc hướng đi Simacai, đèo Pha Long là cung đèo nổi tiếng ở Tây Bắc. Tên đèo Pha Long bắt nguồn từ đỉnh đèo chạy qua chợ phiên Pha Long, một xã nhỏ thuộc địa phận Mường Khương – Lào Cai.
Tên đèo cũng là tên của xã vùng cao vốn vẫn còn giữ được cho mình vẹn nguyên những bản sắc văn hóa của người Mông, Dao, Tày, Nùng cùng những đặc trưng không thể trộn lẫn thể hiện rõ nét trong lễ hội Gầu Tào hàng năm.
Cả con đèo dài khoảng 20km với những con dốc cheo leo đầy thách thức. Ngày nay tuy đã được tu sửa và rải nhựa giúp việc đi lại thuận tiện hơn vài năm trước nhiều nhưng bất kể ai đi qua đều vẫn phải hết sức thận trọng bởi đường đi hẹp và những con dốc thì cứ ngày một cao hơn. Và khi đã ở chính giữa đỉnh đèo rồi thì cũng vừa lúc cái duyên Tây Bắc hiển hiện mê hoặc khách đường xa với vẻ đẹp hùng vĩ và hoang sơ của núi rừng.
Bên mép vực nơi những cột mốc biên giới và mốc đường bộ vừa mới được dựng lên, từng khóm hoa rừng không quên gốc tích của mình vẫn kiên cường bám trụ để rồi khoe ra vẻ đẹp mộc mạc của mình trên nền xanh lá mạ đã hơi hướng chuyển vàng của những thửa ruộng bậc thang. Ẩn hiện đâu đó trong bức tranh hùng vĩ ấy là những nếp nhà trình tường với những mái ngói thâm rêu nổi bật lên những sắc màu đầy tươi vui của cuộc sống, từ những tà váy sặc sỡ đang tung bay bên bờ rào đá cho tới tiếng kẻng trâu bằng gỗ trầm ấm vọng đi khắp vòm núi. Vẻ đẹp ban sơ của thiên nhiên hòa lẫn với vẻ đẹp được tạo ra từ bàn tay cần mẫn của con người đã bày ra trước mắt lữ khách xiết bao niềm thương mến.
Đèo Thung Khe - Quanh năm tuyết phủ
Đèo Thung Khe (hay còn gọi là Đèo Đá Trắng) nằm trên cung đi giữa Mai Châu và Mộc Châu, thuộc quốc lộ 6 của tỉnh Hòa Bình. Ai đã tới Mai Châu có lẽ sẽ không bao giờ bỏ qua cung đường tuyệt đẹp này. Với độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh đèo Thung Khe bạn có thể phóng tầm mắt tận hưởng bức tranh toàn của Mai Châu xinh đẹp, xanh tươi và bình yên ngay dưới chân.
Chinh phục độ cao 1000m so với mực nước biển, món quà đầu tiên bạn có thể cảm nhận được đó chính là những làm gió trong trẻo, lành lạnh vờn qua mái tóc. Với những ai tìm đến đèo Thung Khe với mục đích giải tỏa bản thân mình khỏi những bộn bề của cuộc sống, tìm đến cái trong lành ngọt lịm của thiên nhiên thì hãy để Thung Khe giúp bạn làm điều đó. Thả hồn với đất trời, tránh xa những bụi bặm nóng nức của chốn đô thị chật chội, tất cả những gì còn lại chỉ là cái thoáng đãng đến sướng rơn người của miền đèo núi cao cao.
Đến Thung Khe vào mỗi mùa trong năm hay mỗi thời điểm trong ngày đều có vẻ đẹp riêng, nếu mùa xuân là một Thung Khe thay áo mới bởi khung cảnh tươi mới phía dưới chân đèo thì đến mùa đông, nơi đây trở nên quyến rũ bởi không khí lành lạnh đặc trưng Tây Bắc cùng những cơn mưa phùn lất phất. Ngoài ra, việc ngồi lại chợ ngay ở đây và ăn những món thịt nướng đang bốc khói nghi ngút hay bông ngô nếp cẩm lạ miệng sẽ khiến bạn cảm thấy sâu sắc hơn vẻ đẹp của mùa đông ở đây. Đèo Thung Khe không ngừng biến đổi, làm mới mình, khiến người ta cảm thấy thú vị vô cùng.
Dốc Bắc Sum - "Tấm khăn lụa" thử thách lòng can đảm của phượt thủ
Dốc Bắc Sum là đoạn đường đèo trên quốc lộ 4C nối từ xã Minh Tân (Vĩnh Xuyên, Hà Giang) lên xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang). Dốc Bắc Sum dài bao nhiêu km? Đây là con dốc dài nhất tỉnh Hà Giang với chiều dài 7km và độ cao hơn 450m.
Nơi này gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Dốc Bắc Sum từng là con đường liên lạc quan trọng của bộ đôi ta và là cầu nối trao đổi sức người, sức của giữa các vùng cao nguyên núi đá hiểm trở. Ngày nay, nhờ có đoạn đường đèo này mà việc đi lại giữa các xã dễ dàng hơn, giúp thúc đẩy phân phối và tiêu thụ nông sản của bà con vùng sâu vùng xa.
Độ dài và những khúc cua ngoằn ngoèo của dốc Bắc Sum luôn khiến du khách vừa choáng váng vừa hào hứng. Có người ví nó như một con rắn da trơn khổng lồ đang trườn mình trên những triền đá cheo leo. Có người lại thấy nó mềm mại như một tấm khăn lụa vắt qua sườn núi.
Từ xã Minh Tân đi đến dốc Bắc Sum, ta dần cảm nhận được sự đổi khác của khung cảnh. Bởi khí hậu đặc trưng của vùng cao, dốc Bắc Sum thường bao phủ bởi lớp sương mù, đôi khi ta còn bắt gặp cả một biển mây dưới chân núi. Bởi vậy mà nhiều người rất chịu khó dậy sớm, chạy xe lên con dốc này để săn mây và ngắm bình minh rực rỡ ló rạng qua các rặng núi. Huyền ảo là vậy nhưng chính mây và sương khói mờ ảo càng làm tăng độ khó nhằn của con dốc.