9/10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt "mất tiền", chỉ duy nhất Chủ tịch FPT tăng sản
Trong tuần thị trường chứng khoán tích lũy tìm lực cầu bắt đáy, hầu hết các cổ phiếu trụ VN30 đều đi ngang hoặc điều chỉnh, chỉ một vài mã như FPT, TPB còn tăng.
Kết tuần giao dịch từ 21 - 25/8, VN-Index tăng 5,38 điểm (+0,46%) lên 1.183,37 điểm; thanh khoản sàn HOSE giảm 20,3% so với tuần kỷ lục trước đó còn gần 20.000 tỷ đồng/phiên.
Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số phải kể đến SSI, LPB, DGC,... nhiều mã tốt đã nhanh chóng hồi phục và thậm chí đóng cửa cao hơn mức đỉnh của tuần trước.
Chỉ số HNX-Index tăng 6,94 điểm (+2,94%) lên 242,94 điểm song giá trị giao dịch giảm 28,5% còn 1.920 tỷ đồng/phiên.
Trong tuần thị trường tích lũy tìm lực cầu bắt đáy, biên độ tăng giảm của hầu hết các cổ phiếu trên 2 sàn niêm yết đều giảm so với tuần trước đó. Hầu hết các mã trụ VN30 đều trong trọng thái điều chỉnh.
9/10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đều hao hụt tài sản trong tuần qua.
Với việc cổ phiếu VIC giảm 5,1% về 63.500 đồng/cp, tài sản ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (Top 1), bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup (Top 6) và bà Phạm Thúy Hằng - Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup (Top 7) giảm lần lượt 2.350 tỷ đồng, 578 tỷ và 386 tỷ đồng so với tuần trước.
Tính từ vùng giá 75.600 đồng/cp (phiên 16/8), nhịp điều chỉnh khiến tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất gần 9.000 tỷ đồng tài sản. Tuy nhiên, diễn biến tăng mạnh của giá cổ phiếu VinFast (VFS) trên sàn Nasdaq tuần qua đã giúp ông Vượng lọt Top 23 người giàu nhất hành tinh với khối tài sản lên 55,8 tỷ USD. Chủ tịch Tập đoàn Vingroup hiện đứng số 3 châu Á và số 1 Đông Nam Á (theo danh sách của Forbes).
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, diễn biến cổ phiếu VFS tuần qua không còn là "chỉ báo" đáng tín cậy đối với vận động giá cổ phiếu VIC trên sàn HOSE. Mã hiện đang điều chỉnh trong vùng giá 60.x - 68.x đồng/cp với sự suy giảm vị thế của dòng tiền cá mập; lực cầu lớn chưa xuất hiện trở lại và rủi ro đầu tư T+ vẫn còn.
Xem thêm: Cổ phiếu VIC: Khi chỉ báo "VFS, VinFast" không còn mạnh
Quay trở lại Top 10 trên BXH những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt, xếp ngay sau ông Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long (Top 2) mất 834 tỷ đồng và tài sản giảm về dưới mốc 40.000 tỷ. Vợ ông Long là bà Vũ Thị Hiền (Top 5) ghi nhận tài sản giảm 235 tỷ đồng còn 11.070 tỷ.
Tuần qua, cổ phiếu HPG điều chỉnh 2,1% về dưới mốc 26.000 đồng thị giá - thủng hỗ trợ đường EMA50. Đáng nói, mã cũng là tâm điểm bán ròng của khối ngoại khi bị xả ròng 6 phiên liên tiếp, tổng khối lượng 26,65 triệu cp - giá trị tương ứng 690 tỷ đồng.
Tương tự, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Sunshine Homes (Top 3), bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietffet Air (Top 4), ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank (Top 9) và vợ Hoàng Anh Minh (Top 10) cũng ghi nhận khối tài sản giảm từ 100 - 200 tỷ đồng trong bối cảnh các cổ phiếu SSH, SCG, KLB, KSF, HDB, VJC, VPB giảm nhẹ.
Duy nhất ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT (Top 8) ghi nhận khối tài sản tăng gần 400 tỷ đồng, đạt 6.991 tỷ nhờ nhịp tăng 4,1% của cổ phiếu TPB và 6% của cổ phiếu FPT.
Tuần qua, cổ phiếu FPT tăng trở lại sau tuần đi ngang trước đó. Mã cũng là cổ phiếu VN30 hiếm hoi chiến thắng thị trường trong 2 tuần rung lắc và điều chỉnh trở lại đây. Với việc đóng cửa tại mức 90.600 đồng, FPT chính thức thiết lập mức đỉnh giá lịch sử sau 17 năm niêm yết.
Được biết ngày 25/8, tập đoàn đã chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2023 tỷ lệ 10%. Thời gian thanh toán là 12/9.
Với gần 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự kiến chi khoảng 1.270 tỷ đồng để hoàn thành đợt cổ tức lần này.