Ám ảnh “bóng ma” Robomine – Kỳ 2: Lật tẩy “chiêu trò” lừa đảo
Theo giới luật sư, bản chất của sàn tiền ảo Robomine là không đăng ký kinh doanh, không hoạt động, không phát sinh lợi nhuận. Thực chất, đây là hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp…
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong bài viết trước, câu chuyện tiền mất tật mang, gia đình tan nát khi tham gia các sàn tiền ảo đã không còn là chuyện mới ở Việt Nam. Những bài học từ các vụ lừa đảo tiền ảo lớn đã từng bị triệt phá như forex, MyAladdinz, Lion Group, Wefitnex, Coolcat... vẫn chưa làm nhiều người tỉnh ngộ.
Và Robomine – tiếp tục là cái tên đã và đang “ám ảnh” hàng nghìn người. Bởi thực tế, chỉ sau 6 tháng hoạt động trong năm 2021, những đối tượng cầm đầu đã lôi kéo được hàng nghìn, thậm chí có thể tới hàng chục nghìn người “đổ tiền” vào hệ thống được gọi là Robomine với mong muốn “không cần làm gì, ngủ dậy là có tiền”. Cho đến hiện tại, tiền lãi chưa thấy đâu, thậm chí toàn bộ số tiền của các nạn nhân đã chuyển vào “hệ thống” cũng đã “không cánh mà bay”. Đáng nói, liên quan tới sàn tiền ảo Robomine, nhiều nạn nhân không chỉ mất nhà, mất cửa…mà gia đình, vợ chồng cũng ly tán, tan nát. Không biết “bóng ma” Robomine đến khi nào sẽ thôi “ám ảnh”?
Cũng trong vụ lừa đảo tiền ảo Robomine, điều khiến nhiều người băn khoăn là bởi, rất nhiều nạn nhân trong vụ việc này đều là những người có kiến thức, đang làm trong cơ quan nhà nước, các công ty, tập đoàn lớn... nhưng không hiểu Đoàn Mạnh Tuấn có chiêu trò gì mà có thể thu hút một lúc hàng chục nghìn người tham gia với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng?
Là một nạn nhân trong vụ Robomin, chị Lê Thị H (An Lão, Hải Phòng) chia sẻ, chị H có chồng đi lao động ở Đài Loan 7-8 năm nay. Tổng số tiền chồng chị gửi về cho vợ được hơn 4 tỉ. Hai vợ chồng chị dự định sẽ mua một căn nhà đàng hoàng để an cư. Thế nhưng, vì nghe bạn bè rủ rê đầu tư vào Robomine sẽ sinh lời nhanh. Hậu quả, tất cả số tiền mà vợ chồng chị H quyết định đầu tư giờ đã “không cánh mà bay”. Hiện tại vợ chồng chị vẫn phải sống trong căn nhà thuê mà không biết khi nào mới có cơ hội ra khỏi đó.
Tương tự, mải mê đào tiền ảo Robomine đến mức vợ chồng đâm đơn ra tòa ly dị là trường hợp của chị Nguyễn Thị M (Yên Nghĩa, Hà Nội). Để có tiền đầu tư vào dự án Robomine, chị M tỉ tê với mẹ đẻ bán đất, ngoài ra có bao nhiêu tiền tiết kiệm của gia đình, chị M cũng dốc hết vào đó. Sau khi mọi chuyện vỡ lở, chồng chị M đã chửi bới và đuổi chị ra khỏi nhà.
Quay trở lại thông tin về đối tượng cầm đầu trong vụ lừa đảo này, các nạn nhân cho biết, người đứng đầu dự án tiền ảo Robomine này là Đoàn Mạnh Tuấn (SN 1984, trú tại Đan Phượng, TP. Hà Nội).
Từ năm 2018, Đoàn Mạnh Tuấn có công việc không ổn định, cả gia đình sống dựa vào quán ăn vặt của vợ ở khu tập thể Tô Hiệu. Sau đó, nhờ giới thiệu, Tuấn được làm cho một công trình xây dựng trong một công ty người quen. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, dựa vào sự tin tưởng của ban lãnh đạo, Tuấn đã làm thất thoát tiền của công ty nên đã bị đuổi việc.
Và sau đó một thời gian, Đoàn Mạnh Tuấn bỗng trở thành “người sáng lập” dự án Robomine. Cũng từ đây, Tuấn “đóng mác” có quá trình du học và làm việc dài đằng đẵng ở trời Âu trước khi mang “văn minh” về Việt Nam.
Lại nói về các chiêu trò của Đoàn Mạnh Tuấn và ê kip, các nạn nhân cho biết, thời gian đầu khi chạy dự án Robomine, Tuấn thường tổ chức các buổi hội thảo, offline, chia sẻ kinh nghiệm với các nhà đầu tư tại khu căn hộ cao cấp ở tòa nhà West Point số 2 Đỗ Đức Dục, Mễ Trì, Hà Nội. Toàn bộ địa điểm này, Tuấn cho đầu tư, sửa sang nhìn hoành tráng, đẹp đẽ không khác gì các trung tâm thương mại cao cấp.
Một nạn nhân của Robomine cho biết, khi chị đến đây tham dự hội thảo, bước chân vào sảnh, chị không thể tưởng tượng tòa nhà lại hào nhoáng, sang trọng đến thế. Và niềm tin của chị vào Robomine lại càng được củng cố. Không chỉ đầu tư hoành tráng cho trụ sở chính ở Hà Nội, Đoàn Mạnh Tuấn kết hợp với các thủ lĩnh mở các văn phòng phát triển Robomine tại Hải Phòng, Tp Hồ Chí Minh, Thái Bình... cũng hoành tráng không kém gì ở Hà Nội.
Tại các buổi hội thảo, đào tạo, Tuấn và ê-kíp của mình chia sẻ mong muốn xây dựng một cộng đồng Blockchain chuẩn mực, tử tế và chân thành, mang giá trị tốt đẹp đến cho cộng đồng và để lại di sản số cho người Việt Nam. Tuấn mời những người nổi tiếng đến như TS. P.Q.V (T.V group) chia sẻ về phát triển bản thân, kỹ năng mềm. Hay Tuấn Nam (tên thật là Đỗ Văn Tuấn), đội nhóm từng phát triển ứng dụng Myaladdinz đã được báo chí nói đến nhiều trước đây, tổ chức chia sẻ trên Zoom online, mời gọi mọi người tham gia dự án Robomine. Để tăng thêm niềm tin, Tuấn Nam chia sẻ top 5 đồng coin đáng đầu tư nhất trong năm 2021, Bitcoin, Etherium, Ripple, Tron và Robomine để nhà đầu tư yên tâm tham gia. Đoàn Mạnh Tuấn còn tự giới thiệu mình được ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch Quỹ IDJ Việt Nam cử sang New Zealand du học. Và, hiện Tuấn đang là Phó Chủ tịch Quỹ IDJ Việt Nam.
Tuy nhiên, phía IDJ đã phủ nhận thông tin mạo danh này và đã có đơn tố cáo Tuấn lừa đảo ra cơ quan Công an. Trên trang Facebook cá nhân ông Trần Trọng Hiếu, Chủ tịch của IDJ Group đã phản ứng và tố cáo hành vi mạo danh của tên Tuấn.
Đáng chú ý, để tăng khả năng thuyết phục cho nhà đầu tư xuống tiền, Đoàn Mạnh Tuấn còn lấy một gương nhà đầu tư thành công điển hình như trường hợp anh T., một người khuyết tật giàu có nhờ Robomine làm diễn thuyết chính trong nhiều buổi hội thảo. Đến khi bị mất trắng số tiền đầu tư, anh T. cũng mới biết là mình bị lừa. Vợ chồng anh T. đều là người khuyết tật, phải sống dựa vào gia đình, không có công ăn việc làm ổn định nhưng sau một thời gian tham gia Robomine, anh chị đã xây được nhà, tự kiếm sống bằng chính bàn tay, trí tuệ của mình. Những lần diễn thuyết, anh T. nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của các nhà đầu tư. Gương thành công của vợ chồng anh T. càng củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư.
Đặc biệt, với những nhà đâu tư lớn, có tiềm lực kinh tế, Tuấn lại có một chiêu thức hoàn toàn mới để dụ con mồi sập bẫy. Đó là đầu tư theo kiểu “đối ứng”. Nếu nhà đầu tư lớn còn sợ rủi ro về mất tiền, không an toàn thì Tuấn tạo một tài khoản đánh “đối ứng” dưới tài khoản của nhà đầu tư. Tức là Tuấn sẽ tạo một tài khoản chính (tài khoản cấp 1), Tuấn sẽ nộp tiền trực tiếp vào tài khoản của mình tối thiểu là 1 triệu USDT (đơn vị tiền ảo theo quy định của sàn Robomine).
Từ tài khoản cấp 1 của Tuấn, Tuấn sẽ lập tiếp một tài khoản cấp 2 cho chính mình và nhà đầu tư. Như vậy nhà đầu tư sẽ được hưởng hoa hồng 100% từ tài khoản cấp 1 của Tuấn. Từ tài khoản cấp 2 của mình và nhà đầu tư, Tuấn tiếp tục lập tài khoản cấp 3 cho mình và nhà đầu tư. Nhà đầu tư lại tiếp tục được hưởng hoa hồng từ tài khoản cấp 2 và cấp 3 của mình nhưng mỗi tài khoản, nhà đầu tư phải bỏ tối thiểu vào 500 USDT và Tuấn cũng được hưởng hoa hồng từ chính những tài khoản cấp 2, cấp 3 của nhà đầu tư. Vì được hưởng hoa hồng từ chính tài khoản của Tuấn nên các nhà đầu tư lớn yên tâm mở thêm các tài khoản khác và còn giới thiệu thêm bạn bè mình chơi để được hưởng hoa hồng.
Tài khoản cấp 1 sẽ hưởng 100%, cấp 2 hưởng 50%, cấp 3 và các cấp tiếp theo hưởng 5% lợi nhuận được trả bằng RBM. Càng nhiều người chơi thì Tuấn và nhà đầu tư càng có nhiều tiền hoa hồng.
Được biết, cơ quan Công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận đơn tố cáo của các nạn nhân Robomine và cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang trong quá trình điều tra.
(Còn tiếp)
Chơi Bitcoin đến 'cháy tài khoản', Chủ tịch trộm gần 2 tỷ đồng từ quỹ công đoàn
Chuyên gia: Quản lý Bitcoin và tiền mã hóa không còn là vấn đề ‘nên hay không’ mà là ‘làm thế nào’