Theo đề án được đề xuất, cảng Cần Giờ sẽ có diện tích hơn 570ha và sẽ đưa vào hoạt động từ năm 2027.
Sở Giao thông Vận tải thành phố mới đây đã có văn bản gửi UBND TP. HCM báo cáo về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cụ thể, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đang khẩn trương phối hợp với Tổ công tác thực hiện đề án và đơn vị tư vấn lập đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đã gửi đề án đến các bộ ngành, các tỉnh liên quan để lấy ý kiến đóng góp, nhằm hoàn chỉnh dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tờ trình đề án hiện đã được cập nhật, hoàn thiện sau khi tiếp thu góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cảng và đơn vị liên quan.
>> Thành phố có cảng biển lớn nhất miền Bắc bất ngờ lọt vào ‘mắt xanh’ của ‘ông lớn’ Hong Kong
Mục tiêu của đề án đặt ra là đưa cảng Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP. HCM và khu vực. Qua đó thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistic và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Sở Giao thông Vận tải nhận định siêu cảng Cần Giờ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ.
Vì vậy, TP. HCM đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, xây dựng cảng với mục tiêu sớm đưa dự án khởi công trong năm 2025.
Được biết, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến nằm ở khu vực cù lao Con Chó, xã Thạnh An huyện Cần Giờ. Hiện tại, tổng mức đầu tư dự kiến của cảng vào khoảng 129.000 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7km và bến sà lan dự kiến khoảng 2km.
Siêu cảng Cần Giờ được đề xuất với tổng diện tích ước khoảng 571ha bao gồm cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật... khoảng 469,5 ha và diện tích vùng nước hoạt động cảng khoảng 101,5ha.
Như vậy, ước tính công suất dự kiến của siêu cảng Cần Giờ đến 2030 đạt 4,8 triệu Teu và đến 2047 có thể đạt 16,9 triệu Teu (bằng một nửa sản lượng Singapore hiện nay). Dự kiến đóng góp vào ngân sách khoảng 34.000 đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Để có thể khởi công dự án trong năm 2025, từ giai đoạn năm 2023-2024 sẽ chuẩn bị đầu tư, từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng cảng. Mục tiêu sớm khởi công dự án từ 2025 và từ 2027 sẽ đưa vào khai thác cảng.