Apple âm thầm phá thế độc quyền đất hiếm của Trung Quốc bằng nước cờ tỷ đô
Apple đã mạnh tay đầu tư 500 triệu USD vào nam châm đất hiếm, một nguyên liệu ít được nhắc đến nhưng đóng vai trò sống còn trong ngành công nghiệp công nghệ cao.
Ngày 15/7 vừa qua, Apple công bố thỏa thuận trị giá 500 triệu USD với MP Materials – công ty duy nhất tại Mỹ hiện nắm trong tay chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh, từ khai thác đến chế biến. Đây là động thái mạnh mẽ của “Táo khuyết” nhằm bảo đảm nguồn cung nguyên liệu chiến lược, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc – quốc gia đang thống trị thị trường đất hiếm toàn cầu.
Theo kế hoạch, Apple sẽ mua trực tiếp nam châm đất hiếm từ MP Materials, đồng thời hợp tác xây dựng một dây chuyền tái chế tại bang California. Song song đó, MP Materials cũng đang phát triển một nhà máy tại Fort Worth, bang Texas, với mục tiêu sản xuất các nam châm NdFeB (neodymium-iron-boron) dành riêng cho các thiết bị Apple. Lô hàng đầu tiên từ nhà máy này dự kiến sẽ được giao vào năm 2027.
![]() |
Apple đã mạnh tay đầu tư 500 triệu USD vào nam châm đất hiếm. Ảnh minh họa |
>> Trung Quốc và EU căng thẳng về đất hiếm
Việc Apple "xuống tiền" đầu tư vào nam châm đất hiếm không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là một bước đi mang đậm tính địa chính trị. Trước đó, vào tháng 5, cựu Tổng thống Donald Trump đã đăng tải một thông điệp trên mạng xã hội yêu cầu Apple phải chuyển sản xuất iPhone về Mỹ, nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế lên tới 25%. Dù không phản ứng trực tiếp, Apple đã khôn khéo đáp lại bằng hành động thiết thực: tăng cường sản xuất và thu mua trong nước, bắt đầu từ những vật liệu tưởng như nhỏ bé nhưng không thể thay thế.
Nam châm đất hiếm hiện diện trong gần như mọi thiết bị của Apple, từ động cơ rung Taptic Engine trong iPhone, mô-tơ loa, micro, đến hệ thống tản nhiệt trên MacBook. Chúng cũng được sử dụng trong các lĩnh vực khác như ô tô điện, tua-bin gió và máy bay quân sự. Dù có tên gọi là “đất hiếm”, các nguyên tố này không hề khan hiếm trong lớp vỏ Trái đất. Tuy nhiên, quá trình chiết xuất và tinh luyện lại rất phức tạp và gây ô nhiễm, khiến chỉ một số ít quốc gia có thể duy trì hoạt động sản xuất quy mô lớn.
![]() |
Apple còn chủ trương chuyển dần sang sử dụng vật liệu tái chế trong các sản phẩm của mình. Ảnh minh họa |
Hiện tại, Trung Quốc chiếm đến hơn 90% sản lượng chế biến đất hiếm toàn cầu. Điều này khiến các tập đoàn công nghệ lớn như Apple đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng bất cứ lúc nào, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Từ lâu, Apple đã chủ trương chuyển dần sang sử dụng vật liệu tái chế trong các sản phẩm của mình. Theo thông tin từ hãng, dòng iPhone 16e ra mắt đầu năm nay đã có tới 30% linh kiện làm từ vật liệu tái chế. Các thiết bị khác như iPad, MacBook, Apple Watch và AirPods cũng ngày càng tích hợp nhiều hơn các thành phần thân thiện với môi trường, trong đó có cả đất hiếm.
Thỏa thuận với MP Materials không chỉ giúp Apple giảm thiểu chi phí và rủi ro thuế quan mà còn phù hợp với chiến lược phát triển bền vững dài hạn của hãng. Cùng với MP Materials, Apple cam kết xây dựng hệ thống đào tạo chuyên biệt cho nhân lực trong lĩnh vực sản xuất nam châm, tạo ra hàng nghìn việc làm tại Mỹ và nâng cao năng lực công nghiệp quốc gia.
Với khoản đầu tư này, Apple đang cho thấy sự chủ động trong việc kiểm soát những mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đất hiếm tuy nhỏ bé nhưng đang trở thành quân bài quyền lực mới trong cuộc cạnh tranh công nghệ – nơi mà tự chủ nguyên liệu có thể quyết định thắng thua trong dài hạn.
>> Phát hiện ra cách tái chế đất hiếm từ nam châm cũ chỉ bằng nước