Bà Trương Mỹ Lan 'giãi bày' gì trong đơn xin giảm án tử hình dài 5 trang?
"Hằng đêm tôi vẫn luôn day dứt và tự hỏi vì sao tôi và gia đình lại lâm vào cảnh thế này?", bà Lan viết trong đơn kháng cáo.
Ngày 4/11/2024, TAND TP. HCM sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ án giai đoạn 1 liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự kiến kéo dài đến 25/11/2024, do Thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên làm Chủ tọa.
Trước đó, vào ngày 11/4/2024, TAND TP. HCM đã tuyên án sơ thẩm, kết tội bà Trương Mỹ Lan với mức án tử hình, bao gồm: 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ", 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", và tử hình về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Bà Trương Mỹ Lan đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại.
Bà Trương Mỹ Lan đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại |
Theo báo VnExpress, trong đơn kháng cáo viết tay dài hơn 5 trang, bà Lan cho rằng TAND TP. HCM tuyên phạt bà mức án tử hình về 3 tội Tham ô tài sản, Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là quá nặng nề và nghiêm khắc. Tuy nhiên, thay vì phản bác trực tiếp các cáo buộc, bà trình bày tâm tư về hành trình xây dựng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2012, cùng những đóng góp của mình cho đất nước. Bà chia sẻ: "Vì đam mê kinh doanh và mong muốn cống hiến, tôi đã hy sinh nhiều hạnh phúc cá nhân và gia đình để tạo nên các công trình tầm cỡ cho Việt Nam".
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa không có cơ sở xem xét yêu cầu thu hồi 7.000 tỷ từ Bitexco
Bà Lan nhấn mạnh vào những đóng góp xã hội của gia đình, từ việc nhận Huân chương Lao động hạng 3 vào năm 2011, cho đến các hoạt động thiện nguyện. Trong thời kỳ Covid-19, bà và chồng đã tìm mọi cách để tài trợ 25 triệu liều vaccine và xây dựng hàng loạt các bệnh viện dã chiến cho thành phố.
Bà Lan cũng trình bày về bối cảnh vận động bạn bè, gia đình tham gia giúp hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và tái cơ cấu SCB vào năm 2012. Giai đoạn đó, SCB đứng trước áp lực rất lớn khi tổng tài sản là 144.000 tỷ đồng nhưng tổng nợ phải trả đã lên tới 133.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ SCB trong nhiều năm đã cố gắng duy trì hoạt động ổn định, không mất thanh khoản, không vay tái cấp vốn cũng như sử dụng kinh phí của Nhà nước.
“Hằng đêm tôi vẫn luôn day dứt và tự hỏi vì sao tôi và gia đình lại lâm vào cảnh thế này?", bà Lan giãi bày.
Bà trình bày thêm, dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa sơ thẩm (giai đoạn 1) bà luôn tự nguyện mang hết tài sản của mình và phối hợp tích cực cùng SCB để khắc phục hậu quả, xử lý các dự án dở dang để thu hồi đúng giá trị cho SCB.
Cuối cùng, bà xin HĐXX và các cơ quan tố tụng xem xét thấu đáo và có đường lối xét xử phù hợp đối với gia đình bà và một số cá nhân khác, để nhận được sự khách quan, công bằng, nhân đạo của pháp luật cũng như sự vị tha khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
>>Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Công bố bản án sơ thẩm, bị hại có 15 ngày để kháng cáo
Sắp xử phúc thẩm xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan về mức án tử hình
Hàng loạt tài sản, dự án 'khủng' liên quan bà Trương Mỹ Lan sẽ được xử lý ra sao?