Bà Trương Mỹ Lan yêu cầu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp hàng trăm tỷ đồng
Trước đó, bà Trương Mỹ Lan đã xin sử dụng các tài sản kê biên, phong tỏa, ngăn chặn hoặc thu hồi trong các vụ án để ưu tiên trả nợ cho các trái chủ.
Ngày 12/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Viện KSND Tối cao) vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị can liên quan đến giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan bị truy tố thêm 3 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, theo quy định tại các Điều 174, 324, 189 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Viện kiểm sát xác định, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được Trương Mỹ Lan thành lập, nắm giữ 60% cổ phần và làm Chủ tịch HĐQT từ năm 1992.
Quá trình điều hành doanh nghiệp, Trương Mỹ Lan thông qua người thân, pháp nhân và cá nhân khác đứng tên hộ để nắm giữ phần lớn cổ phần tại Ngân hàng SCB, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI).
Từ việc nắm giữ nhiều cổ phần, Trương Mỹ Lan đã thao túng, chỉ đạo, điều hành, chi phối mọi hoạt động của các pháp nhân công ty này nhằm mục đích thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can về tội “rửa tiền." Trong tội này, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt tổng số tiền hàng trăm ngàn tỷ đồng thông qua tham ô tài sản và phát hành trái phiếu.
Về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cáo trạng chỉ rõ bị can Trương Mỹ Lan và 8 bị can đã vận chuyển trái phép số tiền hơn 4 tỷ USD.
Về lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng của 35.824 bị hại bằng hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu mã.
Trước đó, Cơ quan điều tra đánh giá xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã có sự chuyển biến về nhận thức và ý thức pháp luật, thừa nhận hành vi phạm tội của mình trong việc ra chủ trương phát hành trái phiếu, sử dụng sai mục đích dẫn đến hậu quả đặc biệt lớn cho người dân.
Đồng thời, bà Lan đã nhận trách nhiệm về việc đền bù thiệt hại, hoàn trả lại tiền cho các trái chủ, xin sử dụng các tài sản kê biên, phong tỏa, ngăn chặn hoặc thu hồi trong các vụ án để ưu tiên trả nợ cho các trái chủ.
Bị cáo Lan đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và gia đình đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị xem xét khi lượng hình.
Trở lại với cáo trạng ngày 12/7, nội dung cho thấy quá trình điều tra vụ án các bị can đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội.
Bà Trương Mỹ Lan đã yêu cầu các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nộp khắc phục hậu quả 356,8 tỷ đồng, Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) khắc phục 19 tỷ đồng, các bị can còn lại nộp từ 200 triệu đến 2 tỷ đồng.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Khi luật sư là tội phạm, số tiền hàng tỷ USD dễ dàng trót lọt qua biên giới