BAF xây trang trại bằng chiến lược M&A thần tốc, mục tiêu cung cấp 10 triệu heo thương phẩm
BAF Việt Nam vừa thông báo nhận chuyển nhượng 70% vốn tại Công ty TNHH Hòa Phát Bốn, doanh nghiệp chăn nuôi có vốn điều lệ 50 tỷ đồng và trụ sở tại tỉnh Gia Lai.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) đang nổi lên như một hiện tượng trong ngành chăn nuôi với chiến lược M&A mạnh mẽ. Chỉ trong hai tháng qua, BAF đã thâu tóm 9 công ty chăn nuôi, tạo nên một làn sóng mở rộng chưa từng có nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.
Hình minh họa |
Gần đây nhất, ngày 25/12/2024, BAF thông báo nhận chuyển nhượng 70% vốn tại Công ty TNHH Hòa Phát Bốn, doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng và trụ sở tại Gia Lai. Trước đó, vào ngày 22/11, BAF đã mua lại gần 3,55 triệu cổ phần của CTCP Phát triển Nông nghiệp sạch Thanh Xuân (Như Xuân, Thanh Hóa), tương đương 99,99% vốn. Cùng thời điểm, doanh nghiệp cũng sở hữu 95% vốn Công ty TNHH Chăn nuôi Công nghệ cao Khuyên Nam Tiến tại Đắk Lắk với giá 47,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, BAF đã nhận chuyển nhượng cổ phần tại 5 công ty chăn nuôi khác ở Quảng Trị, bao gồm Toàn Thắng HT, Hoàng Kim QT, Việt Thái HT, Hoàng Kim HT-QT, và Thành Sen HT-QT. Tại mỗi công ty, BAF sở hữu 49% vốn điều lệ, với kế hoạch mua lại toàn bộ cổ phần sau khi hoàn tất pháp lý.
Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh
Theo ông Ngô Cao Cường, Giám đốc Tài chính BAF, doanh nghiệp đang áp dụng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” để tận dụng khoảng trống thị trường, đặc biệt khi các quy định mới của Luật Chăn nuôi có hiệu lực từ 1/1/2025. Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tại khu dân cư sẽ buộc phải di dời, tạo cơ hội lớn cho những công ty quy mô lớn như BAF mở rộng thị phần.
Cuối tháng 9/2024, đàn heo của BAF đạt 520.000 con, tăng 73% so với năm trước. Công ty đặt mục tiêu đạt 100.000 heo nái vào năm 2025, tiến tới 450.000 con vào năm 2030, tương ứng 10 triệu heo thương phẩm xuất chuồng. Để đạt mục tiêu này, BAF dự kiến xây dựng 15 trang trại mới trong năm 2025 với ngân sách 3.000 tỷ đồng.
Nếu không kịp xây dựng, công ty sẽ thuê hoặc hợp tác với các đối tác có sẵn vốn và đất để phát triển trang trại theo mô hình của BAF, sau đó thuê lại vận hành.
Trong 9 tháng năm 2024, BAF báo lãi sau thuế 215 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ, hoàn thành 70% kế hoạch năm. Sự gia tăng này đến từ chiến lược mở rộng quy mô đàn heo và tối ưu hóa hệ thống trang trại trên cả nước.
Ban lãnh đạo BAF đặt tham vọng phát triển cân bằng tại cả ba miền để tối ưu hóa độ phủ. Hệ thống trang trại không chỉ tập trung vào sản lượng mà còn hướng tới các tiêu chuẩn cao về an toàn sinh học và bảo vệ môi trường.
Theo Công ty Chứng khoán DSC, BAF đang tận dụng tối đa cơ hội từ sự thay đổi trong luật pháp và nhu cầu chuyển đổi của ngành chăn nuôi Việt Nam. Chiến lược M&A mạnh mẽ không chỉ giúp công ty tăng nhanh quy mô mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các đối thủ.
>> BAF dự chi 3.000 tỷ đồng xây dựng 15 trang trại chăn nuôi heo trong năm 2025