Thế giới

Bán 1 ly cà phê 7.000 đồng bao gồm phí ship, 'chuyện lạ' tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Vương Vương 14/07/2025 - 10:02

Mặc dù các công ty đều báo cáo lượng người dùng dịch vụ thương mại tức thì tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa rõ tác động tài chính dài hạn của cuộc chiến này sẽ ra sao.

Cạnh tranh đẩy giá xuống thấp kỷ lục

Tại thị trường Trung Quốc đầy tính cạnh tranh khốc liệt, cuộc chiến giá cả mới nhất đang diễn ra trong lĩnh vực “thương mại tức thì” – nơi các công ty tung ra hàng loạt gói trợ giá khổng lồ và chương trình khuyến mãi để lôi kéo người tiêu dùng chi tiền.

Ngành thương mại tức thì (instant commerce) dựa vào hệ thống giao hàng bằng xe máy, có khả năng chuyển phát nhanh mọi thứ – từ thực phẩm, đồ uống đến thời trang nhanh và thiết bị điện tử, với thời gian đến tay khách hàng chỉ trong vòng vài chục phút.

Hiện tại ở Trung Quốc, sân chơi này chủ yếu do ba “ông lớn” chi phối: Các tập đoàn thương mại điện tử lâu năm như JD.com, Alibaba, cùng với nền tảng giao hàng Meituan, vốn ban đầu chuyên sâu vào mảng giao đồ ăn.

Cạnh tranh giữa ba cái tên này đã trở nên gay gắt hơn trong năm 2025 khi cả ba không chỉ mở rộng mạng lưới giao hàng mà còn tuyên bố sẽ rót hàng tỷ nhân dân tệ vào các chương trình trợ giá cho nhà bán và người tiêu dùng.

Kết quả là tốc độ giao hàng nhanh “chóng mặt” đi kèm với các ưu đãi giá rẻ đến bất ngờ. Trong một cuộc khảo sát trên nền tảng giao hàng của JD.com mới đây, CNBC phát hiện cà phê được bán chỉ với 10,9 nhân dân tệ (khoảng 40.000 đồng) – đã bao gồm cả phí giao hàng. Meituan thì chào bán suất bánh bao hấp với giá 13 tệ (47.000 đồng) và bữa sáng McDonald’s với giá chỉ 26,8 tệ (97.000 đồng).

Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích trực tiếp cho người tiêu dùng, cuộc chiến giá cả này lại gây tổn thất không nhỏ cho nhà đầu tư và triển vọng tài chính của các công ty. Theo dữ liệu từ LSEG, cổ phiếu của Meituan và JD.com đã lần lượt giảm 22% và 10% kể từ đầu năm.

screenshot-2025-07-14-092304.png
Hệ thống giao hàng bằng xe máy, có khả năng chuyển phát nhanh mọi thứ – từ thực phẩm, đồ uống đến thời trang nhanh và thiết bị điện tử, với thời gian đến tay khách hàng chỉ trong vòng vài chục phút

Cuộc chiến bắt đầu như thế nào?

Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc từ lâu đã cạnh tranh quyết liệt về tốc độ giao hàng – nhờ tận dụng lực lượng lao động lớn và mô hình gig economy (người lao động làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, trong khi đó các công ty có xu hướng thuê những người làm việc tự do thay vì nhân viên toàn thời gian).

JD.com từng thiết lập tiêu chuẩn ngành với dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc ngày kế tiếp, buộc các đối thủ như Alibaba phải chạy đua để theo kịp.

Song, vòng đấu mới của cuộc chiến thương mại tức thì dường như bắt đầu từ tháng Hai năm nay, khi JD.com lần đầu tiên tiến vào thị trường giao đồ ăn – lĩnh vực vốn được Meituan và nền tảng Ele.me của Alibaba thống trị.

Đến tháng Tư, Meituan tung đòn đáp trả bằng việc ra mắt nền tảng “mua sắm nhanh (flash shopping)” hoạt động 24/7, cung cấp nhiều danh mục hàng hóa như thực phẩm tươi sống, rượu bia, thiết bị điện tử…và cam kết giao hàng trong vòng 30 phút.

Căng thẳng giữa các công ty ngày càng tăng khi họ tố nhau cạnh tranh không lành mạnh, như chặn đơn hàng hoặc không cho tài xế nhận đơn từ đối thủ. Trong lúc đó, JD.com bắt đầu tuyển thêm nhiều tài xế chính thức. Thậm chí, người sáng lập JD – Richard Liu – còn tự mình đi giao đồ ăn tại Bắc Kinh để thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, như một phần của chiến dịch quảng bá hình ảnh.

Cùng tháng đó, JD.com công bố gói trợ giá đầu tiên trị giá 10 tỷ nhân dân tệ, được sử dụng để giảm giá các dịch vụ giao đồ ăn.

Chính phủ vào cuộc, nhưng “đốt tiền” chưa dừng lại

Trợ giá và giảm giá sâu vốn đã trở thành “đặc sản” trong ngành công nghệ Trung Quốc, nhưng cũng khiến các cơ quan chức năng lo ngại. Vào tháng Năm, Cục Quản lý thị trường quốc gia đã triệu tập đại diện của JD.com, Meituan và Ele.me để yêu cầu tuân thủ pháp luật và cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, một số Hiệp hội bán lẻ cũng bày tỏ quan ngại rằng chương trình trợ giá của JD.com có thể dẫn đến tình trạng giảm giá ồ ạt và mất ổn định thị trường.

Tuy nhiên, những cảnh báo này không ngăn được làn sóng đốt tiền tiếp diễn.

Ngày 9/7, JD.com tiếp tục tuyên bố đầu tư thêm 10 tỷ nhân dân tệ vào kế hoạch “Double Hundred Plan”, nhằm hỗ trợ có mục tiêu cho các nhà bán hàng trên nền tảng.

Trước đó, vào ngày 6/7, Alibaba công bố chương trình trợ giá trị giá 50 tỷ nhân dân tệ (tương đương 7 tỷ USD) cho mảng Taobao Instant Commerce trong vòng một năm tới. Ngay sau đó, công ty thông báo đã ghi nhận 200 triệu đơn hàng mỗi ngày.

Cùng ngày, các chương trình giảm giá và phiếu ưu đãi của Meituan khiến giá một ly cà phê chỉ còn 2 nhân dân tệ (khoảng 7.000 đồng), theo truyền thông địa phương. Hệ quả: Meituan nhận kỷ lục 120 triệu đơn hàng trong ngày thứ Bảy hôm đó – thậm chí hệ thống máy chủ của công ty còn bị quá tải ở một số khu vực.

Mặc dù các công ty đều báo cáo lượng người dùng dịch vụ thương mại tức thì tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa rõ tác động tài chính dài hạn của cuộc chiến này sẽ ra sao.

Meituan cho biết lợi nhuận quý I/2025 đạt 10,2 tỷ tệ, tăng khoảng 63% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty cảnh báo rằng quý tiếp theo có thể bị ảnh hưởng bởi mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong lĩnh vực thương mại tức thì.

Về phía JD.com, doanh nghiệp này báo cáo lợi nhuận hoạt động quý I tăng 31,4% so với cùng kỳ, đạt 11,7 tỷ tệ. Dù vậy, theo khảo sát của LSEG, lợi nhuận quý II của công ty có thể giảm cả theo năm lẫn theo quý.

Một báo cáo từ Nomura công bố hôm thứ Năm cho rằng mảng giao đồ ăn của JD.com có thể đã gây lỗ hơn 10 tỷ tệ trong quý II. Các nhà phân tích ước tính JD đã chiếm khoảng 10% thị phần giao hàng tức thì, tương đương 20 triệu đơn mỗi ngày.

Trong phần đánh giá triển vọng, nhóm phân tích của Nomura kết luận: “Chúng tôi cho rằng JD.com có thể sẽ phải xem xét lại tham vọng của mình”. Họ cảnh báo rằng nếu Alibaba tiếp tục gia tăng quy mô trợ giá, JD sẽ buộc phải hy sinh toàn bộ lợi nhuận từ mảng bán lẻ cốt lõi – trong nhiều quý liên tiếp – nếu muốn duy trì cuộc đua với hai ông lớn còn lại.

Tham khảo CNBC

>> Người dân hạn chế chi tiêu, việc làm tại nhà máy sụt giảm: Chuyện gì đã xảy ra tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?

Tỉnh miền núi nghèo của Trung Quốc bất ngờ trở thành ngôi sao tăng trưởng mới, GDP vượt một loạt nước EU

CEO Nvidia Jensen Huang nhận thư cảnh báo vì tới thăm Trung Quốc

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ban-1-ly-ca-phe-7000-dong-bao-gom-phi-ship-chuyen-la-tai-nen-kinh-te-lon-thu-hai-the-gioi-146711.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bán 1 ly cà phê 7.000 đồng bao gồm phí ship, 'chuyện lạ' tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới?
    POWERED BY ONECMS & INTECH