Trong 2 năm trở lại đây, có 3 doanh nghiệp đã dừng hoạt động bán hàng đa cấp.
Trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn tăng trưởng đáng kể về doanh thu cũng như sự đóng góp vào nguồn thuế quốc gia.
Theo số liệu từ Vietdata, trong năm 2021, doanh thu của ngành này đã vượt qua con số 19.000 tỷ đồng(khoảng 772 triệu USD), tăng 24% so với năm 2020 và tăng đến hơn 50% so với năm 2019. Điều đáng chú ý, trong suốt 5 năm liền, ngành bán hàng đa cấp không chỉ duy trì sự ổn định mà còn chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ tăng cao.
Doanh thu của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo năm |
Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo năm |
Với Herbalife, doanh thu của của doanh nghiệp tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm trong giai đoạn gần đây, đến năm 2022 đạt 7.451 tỷ.
Sau 14 năm hoạt động, Herbalife là doanh nghiệp đa cấp lớn nhất Việt Nam và cũng có doanh thu lớn nhất, vượt trội so với doanh thu của các công ty trong ngành khác như New Image, Amway, Oriflame.
Nửa đầu năm 2023, theo báo cáo của Herbalife Nutrition - công ty mẹ của Herbalife, doanh thu thuần từ thị trường Việt Nam đạt 137,2 triệu USD (tương đương hơn 3.200 tỷ đồng), giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2022 song vẫn ở mức cao.
Năm 2021 lợi nhuận của Herbalife đạt mức kỷ lục với 417 tỷ đồng, tuy nhiên sang năm 2022 LNTT lại giảm sâu chỉ bằng 1/5 cùng kỳ năm trước, xuống mức 91 tỷ đồng – mức lợi nhuận chỉ cao hơn lợi nhuận năm 2019 đạt được trong nhiều năm trở lại đây.
Xếp sau Herbalife là New Image với doanh thu năm 2022 đạt gần 4.900 tỷ đồng. Con số này tăng 8,6% so với năm 2021 và tăng 39% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt gần 420 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2021 và gấp 6 lần năm 2020. Con số lợi nhuận này cao gấp 6 lần khoản lợi nhuận Herbalife đạt được trong năm 2022.
Kinh doanh đa cấp (bán hàng đa cấp) là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.
Trên thế giới, bán hàng đa cấp được xem là một phương thức kinh doanh hiệu quả, tuy nhiên khi về đến Việt Nam thì mô hình này lại tạo ra không ít những hình ảnh xấu.
Năm 2011 sự kiện Tập đoàn bán hàng đa cấp Agel của Mỹ tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam đã khiến hàng chục nghìn thành viên trắng tay với số tiền thiệt hại nhiều tỷ đồng. Bốn năm sau, 60.000 người lại “sập bẫy” lừa đảo Liên Kết Việt và những câu chuyện xung quanh bán hàng đa cấp vẫn chưa hề nguội.
Ngay sau đó những lùm xùm liên quan đến Thiên Ngọc Minh Uy, một công ty đa cấp quen thuộc với rất nhiều sinh viên Việt Nam những năm 2016 – 2017.
Các sự việc tiêu biểu kể trên cùng những hàng loạt lừa đảo quy mô nhỏ khác đã khiến ngành bán hàng đa cấp ở Việt Nam được nhìn nhận như là một hình thức lừa đảo.
Do hoạt động bán hàng đa cấp không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, điều này làm cho nhà nước có động thái mạnh hơn trong việc siết chặt quản lý các hoạt động đa cấp và có những xử phạt mạnh đối với những công ty làm sai pháp luật. Theo thống kê từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hiện tại có 19 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp tại Việt Nam.
Danh sách doanh nghiệp đang hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp tại thị trường Việt Nam |
Mới đây Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam có địa chỉ trụ sở chính tại số 150 Cống Lỡ, phường 15, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Năm 2022 cũng có 2 doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, bao gồm Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và Công ty TNHH Homeway Việt Nam. Các doanh nghiệp này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật.