Báo động: 28 thành phố giàu có đang bị nhấn chìm xuống lòng đất, gồm cả siêu đô thị sầm uất Top 1 thế giới
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, 28 thành phố lớn của nước Mỹ đang bị nhấn chìm xuống lòng đất.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Cities ngày 8/5 cho thấy 28 thành phố lớn tại Mỹ đang đối mặt với hiện tượng sụt lún địa chất, trong đó 25 thành phố ghi nhận mức độ lún ở hơn 65% diện tích đô thị. Tình trạng này đặt ra nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu công trình và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong tương lai gần.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Virginia và Đại học Columbia. Họ sử dụng dữ liệu radar từ vệ tinh để đánh giá sự dịch chuyển của nền đất trên khắp lãnh thổ Mỹ, từ bờ Đông tới bờ Tây. Kết quả cho thấy hiện tượng sụt lún không chỉ xuất hiện tại các đô thị lớn mà còn diễn ra ở nhiều khu vực dân cư có quy mô nhỏ hơn.

Tiến sĩ Leonard Ohenhen, tác giả chính của nghiên cứu và là cựu nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Virginia, cho biết, ngay cả sự dịch chuyển rất nhỏ theo hướng đi xuống của mặt đất cũng có thể gây suy yếu đáng kể tới độ bền kết cấu của các tòa nhà, cầu đường, tuyến đường sắt nếu kéo dài trong thời gian dài.
Trong số các khu vực được khảo sát, thành phố Houston (bang Texas) là nơi đang chìm với tốc độ nhanh nhất. Dữ liệu cho thấy 42% diện tích thành phố này đang sụt lún với tốc độ trên 5 mm/năm, trong đó 12% đạt mức trên 10 mm/năm.
Tuy con số này có vẻ nhỏ trong ngắn hạn, nhưng xét theo chu kỳ 10 năm, mức lún 10 mm/năm có thể tạo ra biến đổi lớn đối với môi trường xây dựng, đặc biệt là khi hiện tượng xảy ra không đồng đều.
Theo nhóm nghiên cứu, khác với nguy cơ sụt lún gây ngập do hạ thấp cao độ mặt đất xuống dưới ngưỡng nguy hiểm, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng có thể xảy ra ngay cả với sự dịch chuyển rất nhỏ, do tác động đến ổn định kết cấu.
Texas hiện có ba thành phố nằm trong nhóm sụt lún nhanh nhất là Houston, Fort Worth và Dallas. Đây là các đô thị phát triển mạnh về công nghiệp, dân cư đông đúc, khai thác mạnh nước ngầm và dầu khí. Đặc điểm địa chất tại khu vực này là lớp đất giàu sét loại đất có đặc tính trương nở khi ẩm và co lại khi khô khiến nền đất càng dễ biến dạng.
Việc khai thác nước ngầm làm giảm áp suất nước trong lòng đất, khiến đất sét co rút và nén lại, làm gia tăng tốc độ sụt lún. Thêm vào đó, trọng lượng của các công trình xây dựng kết hợp với tình trạng hạn hán càng làm trầm trọng hơn quá trình này.

Dù Houston vẫn đang lún, nhưng so với giai đoạn trước đây khi tình trạng khai thác nước ngầm diễn ra không kiểm soát – mức độ hiện tại đã được cải thiện. Có thời điểm, thành phố này từng sụt lún tới gần 5 cm mỗi năm, buộc chính quyền địa phương phải thực hiện cải cách hệ thống nhằm hạn chế thiệt hại.
Ngoài Texas, các thành phố lớn như Chicago, New York, Seattle, Denver và Detroit cũng được ghi nhận đang chìm dần. Đây đều là các khu vực tập trung dân cư đông đúc, với tổng cộng khoảng 34 triệu người sinh sống. Nhóm nghiên cứu cảnh báo, do hiện tượng sụt lún không tạo ra tác động tức thời như bão hay lũ lụt, nguy cơ này có thể dễ bị xem nhẹ hoặc bỏ qua trong các chính sách quy hoạch.
Một số điểm nóng khác được ghi nhận gồm khu vực xung quanh sân bay LaGuardia (New York), Las Vegas (Nevada), Washington D.C., và San Francisco (California). Việc mặt đất tiếp tục lún sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn. Từ năm 2000 đến nay, các đô thị lớn như New York, Chicago, Los Angeles, Phoenix, Houston, Philadelphia, San Antonio và Dallas đã ghi nhận tổng cộng hơn 90 trận ngập lụt lớn.

Hiện tượng sụt lún không chỉ giới hạn ở Mỹ. Một nghiên cứu công bố tháng 4 năm ngoái trên tạp chí Science cho biết, Trung Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Thành phố Venice (Ý) đã lún khoảng 23 cm trong nhiều thập kỷ, trong khi một số khu vực của Mexico City ghi nhận mức sụt lún lên tới 50 cm/năm.
Trước nguy cơ ngày càng rõ rệt, giới khoa học kiến nghị cần triển khai các biện pháp như nâng cao mặt đất, xây dựng hệ thống thoát nước hiệu quả hơn và phát triển các vùng đất ngập nước nhân tạo nhằm giảm thiểu tác động của lũ lụt cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng đô thị trong dài hạn.
>> Sau sáp nhập, người dân thành phố này có thể đi lại trong nội thành bằng máy bay