Bất động sản nghỉ dưỡng - “nằm vùng” chờ cơ hội phục hồi

17-03-2023 19:05|Long Hoàng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường địa ốc.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2022, cả nước đón nhận hơn 19.124 sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới (condotel, biệt thự biển, nhà phố và shophouse biển). Nguồn cung chủ yếu đến từ khu vực miền Trung với gần 8.000 sản phẩm, tương đương khoảng 42% lượng cung toàn thị trường.

Bất động sản nghỉ dưỡng - “nằm vùng” chờ cơ hội phục hồi

Giao dịch ảm đạm

Trong năm, cả nước chỉ có 12 dự án được cấp phép, số lượng dự án bằng khoảng 23% so với năm 2021. Lượng giao dịch sản phẩm và tỉ lệ hấp thụ vào cuối năm 2022 đạt rất thấp, chỉ bằng khoảng 30% cùng kỳ năm trước và ít hơn hẳn so đầu năm. Tuy nhiên, mặt bằng giá bán ở thị trường sơ cấp vẫn tăng trung bình 12%-15% so với năm 2021, dao động từ 17 đến 167 triệu đồng/m2.

Cũng theo hiệp hội này, trong thời gian tới, nguồn cung bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng khả năng sẽ vẫn giảm, hạn chế. Chỉ các chủ đầu tư có đủ nguồn lực mới có khả năng phát triển dự án. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục trầm lắng trong năm 2023. Mặc dù nhu cầu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cao nhưng thực tế, thị trường này vẫn sẽ chậm giao dịch vì vướng mắc pháp lý, dòng tiền khó và phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành du lịch.

Thông thường, bất động sản nghỉ dưỡng thường là lựa chọn cuối cùng trong danh mục ưu tiên của các nhà đầu tư. Khách hàng hầu hết là những người "có điều kiện", họ chọn condotel, biệt thự nghỉ dưỡng chủ yếu là dạng second home (ngôi nhà thứ hai) để nghỉ dưỡng, đầu tư hoặc cho thuê lấy lãi từ chủ đầu tư…

Khi kinh tế khó khăn, niềm tin vào thị trường bất động sản sụt giảm, càng khó thu hút người mua bất động sản nghỉ dưỡng. Chưa kể, thị trường bất động sản có tính chu kỳ, chỉ khi các phân khúc chính như nhà phố, căn hộ, đất nền khởi sắc thì bất động sản nghỉ dưỡng mới bắt đầu có tín hiệu. Độ trễ của chu kỳ ít nhất 1-2 năm.

Bất động sản nghỉ dưỡng - “nằm vùng” chờ cơ hội phục hồi

Ở thời điểm này, chưa có tín hiệu nào khả quan cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở thị trường sơ cấp khi hàng loạt chủ đầu tư đang "lao đao" về tài chính. Còn thị trường thứ cấp lại phụ thuộc rất lớn vào ngành du lịch. Nếu du khách gia tăng trở lại, tỉ lệ lấp đầy ở các khách sạn cao mới có thể thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh ở phân khúc này. Chưa kể, pháp lý cho phân khúc này vẫn chưa thực sự rõ ràng nên khách hàng thường chọn những chủ đầu tư lớn, uy tín để đặt niềm tin.

Đến nay, các thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang đều khá đìu hiu, chỉ còn khu vực Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) có một vài dự án còn được giao dịch vì chủ đầu tư đang triển khai mạnh các tiện ích, dịch vụ để thu hút du khách… Giá một căn condotel diện tích 45-50 m2 tại khu vực giá trung bình 3 tỉ đồng, còn biệt thự phải trên 20 tỉ đồng/căn.

Hướng đi nào cho doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng?

Trong ngắn hạn, các chuyên gia đều chung nhận định, khả năng bất động sản nghỉ dưỡng "đảo chiều" là rất khó và sẽ tiếp tục trầm lắng với mức thanh khoản trung bình. Diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào pháp lý, dòng tiền và sự tăng trưởng của du lịch.

Từ đầu năm 2023, các ngân hàng sẽ có kế hoạch nới room tín dụng, dòng tiền sẽ không đổ hết vào bất động sản như thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, kéo dài thời gian thanh toán cho đối tác và rút ngắn thời gian cho vay với khách hàng. Hiện nay, vấn đề room tín dụng đến từ bất động sản. Ngoài nguồn vốn rót cho các doanh nghiệp bất động sản, các công ty sản xuất cũng dùng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đi đầu tư bất động sản.

Hiện nay du lịch đang phục hồi mạnh mẽ sau dịch, đặc biệt là du lịch nội địa. Khách quốc tế có thể chưa đạt kỷ lục của 2019 nhưng có thể từ 2025 sẽ trở lại như trước dịch. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nhỏ tác động vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.

Bất động sản nghỉ dưỡng - “nằm vùng” chờ cơ hội phục hồi

Doanh nghiệp bất động sản phải định hình lại sản phẩm của mình với quy định pháp lý rõ ràng cho nghỉ dưỡng. Mục đích là để phân khúc này thực sự là kênh hấp dẫn phát triển lành mạnh, đúng với tiềm năng.

Phân khúc này phải đảm bảo được quyền lợi, trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư, khách mua, đơn vị quản lý vận hành đồng thời, có thể xem xét người nước ngoài được mua condotel, giao cho vận hành chứ không phải để ở. Điều này vừa thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vừa tạo tính hấp dẫn cho phân khúc cũng như góp phần tăng khả năng thanh khoản.

Đã có hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản 'quay xe' trở lại với thị trường trong quý I/2024

Quý I: Thị trường bất động sản phục hồi rõ nét hơn

Lượt khách du lịch tăng 72%, thời điểm 'vàng' để bất động sản nghỉ dưỡng 'lên hương' đã đến?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-dong-san-nghi-duong-nam-vung-cho-co-hoi-phuc-hoi-174073.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bất động sản nghỉ dưỡng - “nằm vùng” chờ cơ hội phục hồi
POWERED BY ONECMS & INTECH