Chục năm, các công ty kiểm toán thuộc Big4 không phát hiện vấn đề tại SCB. Khi vụ Vạn Thịnh Phát được điều tra, công ty kiểm toán nào đã được mời vào rà soát?
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang được dư luận quan tâm, nhiều tình tiết mới lạ đã lộ diện sau những ngày đầu xét xử. Một trong những vấn đề giới tài chính hiện đang quan tâm nhất là vai trò của các công ty kiểm toán trong các vụ án kinh tế lớn.
Kiểm toán KPMG được thuê soát xét thực trạng SCB sau khi vụ án vỡ lở
Khi vụ án Vạn Thịnh Phát vỡ lở, ngày 8/12/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành quyết định về việc kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng SCB.
Đồng thời, thực hiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu ngân hàng SCB thuê tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ ngân hàng SCB.
Ngày 31/5/2023, Công ty kiểm tóa KPMG chi nhánh TP. Hồ Chí Minh phát hành báo cáo kiểm toán độc lập: Báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng tài chính hợp nhất, xác thực vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng SCB và các công ty con tại ngày 30/9/2022.
Kết quả kiểm toán xác định ngân hàng SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại thuê KPMG soát xét lại hoạt động của SCB sau khi vụ án bị vỡ lở? KPMG là một trong những công ty kiểm toán đã kiểm toán BCTC của SCB nhiều năm không phát hiện ra vấn đề, tại sao khi thuê làm việc soát xét lại, đã "ra vấn đề"?
Những con số đáng chú ý trong vụ Vạn Thịnh Phát |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao các công ty kiểm toán chục năm không phát hiện sai phạm tại SCB?
Big4 kiểm toán, chục năm không phát hiện vấn đề tại SCB
Tại SCB, từ 2012 đến nay, hơn chục năm, các công ty kiểm toán cho ngân hàng SCB luôn là một trong các Big4 của ngành. Các công ty kiểm toán KPMG, Deloitte và Ernst & Young Vietnam đều từng kiểm toán cho SCB nhiều lần.
Trong đó, ngay thời kỳ đầu sáp nhập, Kiểm toán Ernst & Young đã thực hiện kiểm toán BCTC hợp nhất và soát xét cho SCB từ năm 2012 đến năm 2016.
Từ năm 2017 đến năm 2019, các báo cáo tài chính kiểm toán và soát xét đều do công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam thực hiện.
Từ 2019 đến báo cáo soát xét bán niên 2021 do công ty kiểm toán KPMG thực hiện. Báo cáo soát xét bán niên 2021 là báo cáo được kiểm toán KPMG soát xét gần đây nhất. Số liệu trên báo cáo ghi nhận SCB lãi sau thuế 359 tỷ đồng, gấp 8,6 lần cùng kỳ. Tổng tài sản đạt 671.628 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 21.754 tỷ đồng. Tổng tiền gửi khách hàng 479.216 tỷ đồng và dư nợ cho vay khách hàng 356.882 tỷ đồng.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện tổng tiền ngân hàng huy động và vay các tổ chức tín dụng khác là 673.586 tỷ đồng, trong đó tiền huy động từ khách hàng 511.262 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá 76.845 tỷ đồng, vay NHNN 66.030 tỷ đồng và vay từ các tổ chức tín dụng khác 6.756 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đạt 21.036 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của ngân hàng theo sổ sách kế toán tại ngày 17/10/2022 là 713.420 tỷ đồng.
Chục năm, từ 2012 đến năm 2022 khi vụ án vỡ lở, lần lượt Kiểm toán Ernst & Young, Deloitte và KPMG đều không phát hiện vấn đề lớn tại SCB. Vậy trách nhiệm của các công ty kiểm toán đến đâu?
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện những công ty kiểm toán từng kiểm toán BCTC cho SCB
Trách nhiệm của công ty kiểm toán tại báo cáo tài chính
Chính công ty kiểm toán KPMG, trên các báo cáo tài chính kiểm toán cho SCB đều "vạch rõ" trách nhiệm của mình.
Trong đó, với các báo cáo soát xét bán niên 2021, KPMG cho rằng "công việc soát xét thông tin tài chính giữa niên độ bao gồm việc thực hiện các cuộc phỏng vấn những người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính kế toán và thực hiện các thủ tục phân tích và các thủ tục soát xét khác. Một cuộc soát xét về cơ bản có phạm vi hẹp hơn một cuộc kiểm toán được thực hiện theo chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam và do vậy không đạt được sự đảm bảo rằng sẽ nhận biết được tất cả các vấn đề trọng yếu có thể phát hiện được trong một cuộc kiểm toán".
Còn tại BCTC kiểm toán năm 2020 công ty kiểm toán KPMG xác định công việc của kiểm toán bao gồm việc thực hiện các thủ tục nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán về số liệu và các thuyết minh trong báo cáo tài chính. Các thủ tục được lựa chọn dựa trên xét đoán của kiểm toán viên, bao gồm đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính do gian lận hoặc nhầm lẫn.
Khi thực hiện các đánh giá rủi ro này, kiểm toán viên xem xét kiểm soát nội bộ của ngân hàng liên quan tới việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý nhằm thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên không nhằm mục đích đưa ra ý kiến về hiệu quả kiểm toán nội bộ của ngân hàng.
Công việc kiểm toán cũng bao gồm việc đánh giá tính thích hợp của các chính sách kế toán được áp dụng của các ước tính kế toán của Ban điều hành ngân hàng cũng như việc đánh giá trình bày tổng thể báo cáo tài chính.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Đại diện SCB lên tiếng, đề nghị giao 1.116 tài sản kê biên để toàn quyền xử lý
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đại diện SCB lên tiếng, đề nghị giao 1.116 tài sản kê biên để toàn quyền xử lý
Vụ Vạn Thịnh Phát: Vì sao các công ty kiểm toán chục năm không phát hiện sai phạm tại SCB?