Bất ngờ gánh hai khoản thuế mới, công ty thủy sản 4.100 nhân sự báo lãi thấp nhất 16 quý, bỏ ngỏ việc rút khỏi thị trường Mỹ
Nếu Mỹ áp thuế 46% với hàng thủy sản Việt Nam, trong khi các nước khác chỉ chịu khoảng 20%, doanh nghiệp này nhận định khả năng cạnh tranh sẽ suy giảm nghiêm trọng – thậm chí có thể phải rút khỏi thị trường Mỹ.
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) – trong thư gửi cổ đông tại báo cáo thường niên 2024, cho biết mức thuế đối ứng mà Mỹ công bố sáng 3/4/2025 là "bất ngờ và có thể làm tiêu tan mọi tính toán trước đó của các doanh nghiệp tham gia thị trường này (Mỹ)". Ông nhận định đây là thách thức rất lớn và Sao Ta sẽ tập trung thu thập thông tin, xử lý vướng mắc và chờ thêm động thái từ phía Chính phủ Việt Nam để ứng phó.
Tại ĐHCĐ ngày 18/4, ban lãnh đạo FMC chia sẻ rằng phía đối tác Mỹ hiện chưa đưa ra quyết định cụ thể, các giao dịch vẫn được duy trì theo hợp đồng đã ký, dự kiến hoàn tất trong vòng 30–45 ngày tới.
FMC đánh giá, nếu Mỹ chính thức áp thuế 46% với toàn bộ sản phẩm từ Việt Nam – trong khi các nước khác chỉ chịu khoảng 20% – thì khả năng cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí công ty có thể rút khỏi thị trường Mỹ. Ngược lại, nếu mức thuế thấp hơn và không chênh lệch quá lớn (ví dụ khoảng 23%), Việt Nam vẫn còn cơ hội giữ thị phần.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 giảm mạnh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, dù Sao Ta ghi nhận doanh thu thuần tăng 36% YoY lên 1.990 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 127 tỷ đồng song biên lợi nhuận gộp điều chỉnh còn 6,4%.
Nguyên nhân đến từ việc chi phí bán hàng tăng đột biến lên 88 tỷ đồng – gấp gần 3 lần cùng kỳ – do chi phí vận chuyển tăng gấp đôi và phát sinh mới 36 tỷ đồng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
![]() |
Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2025 của FMC |
Sau khấu trừ, lợi nhuận sau thuế của FMC còn 37,7 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ và giảm 81% so với quý liền trước. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2021. Công ty cho biết việc lợi nhuận sụt giảm là do giá nguyên liệu đầu vào tăng và áp lực hoàn tất các đơn hàng ký từ năm 2024 với giá bán thấp.
Tại ĐHCĐ thường niên 2025, lãnh đạo FMC tiết lộ trong quý I, Sao Ta và công ty con đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 46 triệu USD. Nếu tính cả lượng hàng đang hoàn tất thủ tục, giá trị có thể lên tới hơn 60 triệu USD – giúp giảm thiểu rủi ro nếu chính sách thuế chính thức thay đổi sau giai đoạn hoãn 90 ngày.
Công ty cũng cho biết đang đẩy mạnh chế biến để giao hàng sớm, tận dụng thời gian trì hoãn áp thuế, đồng thời chủ động mở rộng thị trường Canada, Australia và chờ thời điểm phù hợp để thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Triển vọng 2025 và tình hình tài chính
Năm 2025, Sao Ta đặt mục tiêu doanh thu khoảng 255 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với năm kỷ lục 2024. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế được điều chỉnh thận trọng về 420 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I/2025, công ty vẫn duy trì tình hình tài chính lành mạnh, với tổng tài sản hơn 4.163 tỷ đồng (tăng 400 tỷ so với đầu năm). Tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.659 tỷ đồng, nhờ tăng vay nợ. Trong khi đó, Sao Ta chủ động giảm lượng hàng tồn kho còn 661 tỷ đồng (-34% YTD).
Được biết, trong năm 2024, thị trường Mỹ chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu của Sao Ta (tương đương khoảng 80 triệu USD), tiếp theo là Nhật Bản 28% và châu Âu 21%. Dù tỷ suất lợi nhuận ở Mỹ thấp, nhưng thị trường này có quy mô lớn, tiêu thụ đều và yêu cầu chế biến đơn giản – phù hợp với năng lực chế biến cao của Sao Ta so với các đối thủ như Ấn Độ hay Ecuador.
>> Xuống giống táo bạo, doanh nghiệp ngành tôm thu gần 1.200 tỷ chỉ sau hai tháng