Ông Trump đang toan tính gì, điều gì sẽ xảy ra trong 90 ngày tới?
Quyết định hoãn thuế của ông Trump đặt ra nhiều câu hỏi về tính nhất quán trong chính sách thương mại của Nhà Trắng, đồng thời phản ánh áp lực ngày càng lớn từ giới đầu tư và doanh nghiệp trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Lập trường thay đổi
Suốt nhiều tuần, Tổng thống Donald Trump đã kiên quyết theo đuổi kế hoạch áp thuế mạnh tay lên hàng nhập khẩu, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ gây hỗn loạn kinh tế. Tuy nhiên, ngày 9/4, sau nhiều phiên lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu, ông bất ngờ đảo chiều.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump thông báo tạm dừng một loạt thuế quan nhắm vào các đối tác thương mại lớn của Mỹ – chỉ 13 giờ sau khi chúng chính thức có hiệu lực. Ông cho biết biến động trên thị trường tài chính sau khi các mức thuế được kích hoạt là yếu tố khiến ông thay đổi quyết định.
Tổng thống Mỹ tuyên bố tạm hoãn 90 ngày đối với thuế quan đối ứng, áp dụng với hàng nhập khẩu từ gần 60 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU). Các mức thuế này được điều chỉnh tùy theo từng nước, dựa trên thặng dư thương mại của họ với Mỹ.

Trong thời gian tạm hoãn, các đối tác này sẽ chịu mức thuế chung 10% mà ông Trump đã áp dụng với toàn bộ hàng hóa nước ngoài từ ngày 5/4.
Trung Quốc – một trong những quốc gia bị áp thuế đáp trả – không nằm trong danh sách được hoãn. Thay vào đó, ông Trump tuyên bố nâng thuế với hàng nước này từ 104% lên 125%, sau khi Bắc Kinh công bố kế hoạch đáp trả bằng mức thuế 84% đối với hàng Mỹ.
Việc triển khai thuế đáp trả khiến thị trường chao đảo và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Chuyên gia chỉ ra rằng ông Trump chịu áp lực lớn từ giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư, buộc ông phải xem xét lại.
“Tôi nghĩ mọi người đã phản ứng hơi thái quá”, ông nói với phóng viên tại Nhà Trắng. “Họ bắt đầu lo lắng quá mức”.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi thời hạn tạm hoãn kết thúc?
Với chính quyền ông Trump, giới phân tích cho rằng khó có thể đoán trước điều gì. Bài đăng của ông cho thấy mục tiêu của giai đoạn tạm hoãn là tạo cơ hội để các đối tác thương mại đàm phán nhằm tránh bị áp thuế.
Chính quyền Mỹ yêu cầu các nước phải giảm thuế quan cũng như những rào cản thương mại khác – bao gồm quy định pháp lý, hạn ngạch, trợ cấp trong nước và vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ là do các rào cản này và mục tiêu của ông là xóa bỏ chúng.

Khi thời hạn tạm hoãn kết thúc vào đầu tháng 7, các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ có thể đối mặt với việc tái áp thuế. Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể tiếp tục gia hạn. Trước đó, ông từng hai lần trì hoãn thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada.
Hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ hiện không nằm trong diện bị áp thuế đối ứng nhưng họ vẫn phải chịu mức thuế 25% vì vấn đề ma túy và nhập cư trái phép qua biên giới. Tuy nhiên, các mặt hàng thuộc phạm vi hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ được miễn thuế.
Mỹ có đang tiến gần suy thoái?
Chứng khoán tăng mạnh sau thông báo tạm hoãn thuế. Chỉ số S&P 500 vọt 9,5% – mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ năm 2008. Động thái này khép lại một tuần đầy biến động, bắt đầu từ khi ông Trump gây chấn động với tuyên bố áp mức thuế cao nhất của Mỹ trong hơn một thế kỷ. Giá dầu – trước đó giảm do lo ngại suy thoái kinh tế – cũng bật tăng trở lại.
Trước khi việc hoãn thuế được công bố, viễn cảnh suy thoái đã dần hiện rõ. Quyết định áp thuế từ ngày 2/4 khiến tâm lý tiêu dùng vốn đã suy yếu càng thêm tiêu cực. Các ngân hàng Phố Wall nâng dự báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu trong năm nay.
Giới phân tích cảnh báo giá cả tăng cao và doanh nghiệp thận trọng có thể kéo giảm tăng trưởng, thậm chí khiến kinh tế co lại.

Khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn thuế, thị trường khởi sắc trở lại còn các chuyên gia của Goldman Sachs đã rút lại dự báo suy thoái. Dù vậy, giới đầu tư và doanh nghiệp vẫn lo ngại trước các động thái khó lường từ Tổng thống Mỹ và tác động của những mức thuế vẫn còn hiệu lực – đặc biệt là thuế cao với hàng Trung Quốc.
Nền kinh tế sẽ vẫn chịu áp lực nếu tâm lý bất ổn kéo dài dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu đáng kể.
Vì sao Trung Quốc là mục tiêu chính?
Ông Trump từ lâu đã chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc là không công bằng, trước cả khi nước này tuyên bố trả đũa. Ông bắt đầu tăng thuế với hàng Trung Quốc từ nhiệm kỳ đầu.
Trong nhiệm kỳ thứ 2, ông ký các sắc lệnh hành pháp nhấn mạnh vai trò của thuế quan như một cách để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm vì không kiểm soát xuất khẩu fentanyl và các tiền chất – yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng opioid (thuốc giảm đau) ở Mỹ.
>> Tạm hoãn thuế 90 ngày: Nước cờ xuất sắc của ông Trump, đúng chất 'Nghệ thuật Đàm phán'
Châu Âu nói gì về quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Trump?
Việt Nam được Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng, mức thuế chỉ còn 10%