Riêng năm 2023, địa phương này được nhận 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực).
Theo Sở NN&PTNT Quảng Bình, Bộ NN&PTNT đã chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD).
Theo đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ carbon thông qua IBRD. Quỹ Trung ương trích tiền quản lý phí và các khoản chi hợp lệ khác (tối đa 3,5% hoặc khoảng 1,8 triệu USD) còn lại khoảng 49,69 triệu USD, Quỹ Trung ương điều phối cho 6 tỉnh trong khu vực theo quy định.
Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực).
Số kinh phí trên để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và Ủy ban nhân dân xã) 80 tỷ, kinh phí trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh 2,4 tỷ đồng.
Diện tích được chi trả là 469.317ha rừng tự nhiên, bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là khoảng 170.000 đồng/ha.
Nội dung chi trả bao gồm: Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; công tác quản lý.
>> Sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức có mặt tại Việt Nam
Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đang tranh thủ sự hướng dẫn thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng phương án, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện việc chi trả kinh phí tận tay chủ rừng theo quy định.
Cũng theo Sở NN&PTNT Quảng Bình, sắp tới tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch để khai thác tiềm năng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng hiện đang được thế giới rất quan tâm.
Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường bể hấp thụ từ hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính.
Từ năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành.
>> Thị trường tín chỉ Carbon: Bạn có biết, Việt Nam đã thu hàng trăm triệu USD
Có ‘kho vàng’ 40 triệu tấn, đừng sợ bán ‘lúa non’
Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng tại Quảng Nam hiện ra sao?