Bất ngờ với doanh số chi trả của Công ty Kiều hối Vietcombank 9 tháng đầu năm
Kiều hối về Việt Nam năm nay chủ yếu từ các thị trường có lao động lớn, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Ngày 11/10, tại Hội nghị triển khai Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP. HCM từ nay đến năm 2030 (Đề án kiều hối)”, Giám đốc Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR), ông Trịnh Hoài Nam cho biết, doanh số chi trả kiều hối qua đơn vị này đạt khoảng 1,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024. Số liệu này tăng gần 40% so với cùng kỳ và tương đương doanh số chi trả của cả năm 2023.
Theo ông Nam, hiện nay, lượng kiều hối chuyển về nước thông qua các công ty kiều hối có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài cá nhân Việt kiều tại nước ngoài thì một số tổ chức kinh tế (do người Việt lập ra ở nước ngoài) cũng có nhu cầu chuyển tiền về nước để đầu tư.
Do đó, thời gian tới, các ngành chức năng và địa phương cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên đối với hoạt động đầu tư từ nguồn kiều hối. Ngoài ra, các đơn vị cần mở rộng, bổ sung các quy định liên quan đến chuyển, nhận tiền kiều hối của tổ chức, doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài hướng dòng tiền về đầu tư.
Theo quan sát của VCBR, kiều hối về Việt Nam năm nay chủ yếu từ các thị trường có lao động lớn, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Doanh nghiệp này ghi nhận xu hướng kiều hối tăng mạnh từ lực lượng xuất khẩu lao động, cả về số lượng và giá trị. Trong khi đó, thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu lại có xu hướng giảm cả về số lượng và doanh số.
>> Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2024
Doanh số chi trả kiều hối qua đơn vị này đạt khoảng 1,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024 |
Tuy nhiên, Giám đốc VCBR nhận định, vẫn còn tình trạng lượng lớn kiều hối chuyển về nước thông qua kênh tiểu ngạch. Vì vậy, ông Trịnh Hoài Nam đề xuất có thêm cơ chế cho phép doanh nghiệp kiều hối thực hiện dịch vụ cho các nhóm là tổ chức nước ngoài chuyển tiền về cho cá nhân trong nước. Đây là dịch vụ được nhiều đối tác quan tâm và cũng được nhiều doanh nghiệp kiều hối quốc tế triển khai.
Cũng tại hội nghị, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM Nguyễn Đức Lệnh cho biết, 9 tháng đầu năm, theo thống kê từ 14 công ty kiều hối trên địa bàn, lượng kiều hối chuyển về TP. HCM đạt trên 5,48 tỷ USD, chiếm 77,4% trong tổng nguồn kiều hối. Con số này tăng đến 10,45% so với cùng kỳ.
Số liệu trên chưa bao gồm lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng. Nếu tính thêm kênh này, ông Lệnh nhận định, kiều hối về thành phố còn cao hơn.
Hơn 5,5 tỷ USD kiều hối 'chảy về ví' TP. HCM
Kiều hối về TP.HCM vượt mốc 5,5 tỷ USD: Động lực cho phát triển kinh tế