Bất ngờ với mối liên hệ giữa cà phê và ung thư tuyến tiền liệt
Nghiên cứu phát hiện mối liên hệ bất ngờ giữa cà phê và ung thư tuyến tiền liệt.
Ung thư tuyến tiền liệt là một căn bệnh nguy hiểm đe dọa tới nam giới. Chúng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như tuổi tác, di truyền, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 4 về mức độ phổ biến trong các loại ung thư và đứng thứ 8 về tỷ lệ tử vong. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm ra phương pháp ngăn chặn căn bệnh này.
Năm 2017, một nghiên cứu được công bố trong Tạp chí International Journal of Cancer đã chỉ ra rằng cà phê có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là ở nam giới từ 50 tuổi trở lên. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của gần 7.000 nam giới ở Ý trong thời gian 4 năm và kết luận rằng những người uống cà phê từ 3 ly trở lên mỗi ngày giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt 53% so với những người không hoặc chỉ uống 1-2 tách mỗi ngày.
Nghiên cứu khác của Đại học Y khoa Trung Quốc, công bố trên tạp chí y tế BMJ Open năm 2020, đã xác định mối liên hệ giữa tiêu thụ cà phê và giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Trong nghiên cứu này bao gồm dữ liệu của hơn 1 triệu nam giới từ Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã được phân tích. Kết quả cho thấy, những người tiêu thụ cà phê nhiều nhất có thể giảm tới 9-12% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt so với nhóm uống ít cà phê nhất.
Cà phê giàu flavonoid và polyphenol, không chỉ ngăn ngừa tổn thương tế bào và giảm viêm nhiễm trong cơ thể mà còn giảm sự phát triển của tế bào ung thư. Các hợp chất như kahweol acetate và cafestol trong cà phê Arabica cũng được xác định có khả năng ức chế sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài cà phê, nhiều thực phẩm khác như rau họ cải, tỏi, cà chua, omega 3, nước ép lựu, và trà xanh cũng đã được chứng minh có khả năng ngăn chặn ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ khuyến cáo nam giới nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, chế độ ăn nhiều đường, thịt đỏ, và chất béo động vật để ngăn chặn sự tiến triển và tái phát của bệnh.