Vụ Vạn Thịnh Phát, từ năm 2020 trở đi, việc lập hồ sơ hợp thức các khoản vay đã "lỗi thời", một phương thức mới tinh vi hơn đã được Trương Mỹ Lan áp dụng.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã ra kết luận về những sai phạm trong vụ Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan. Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.
Để thực hiện hành vi rút ruột Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã lập ra hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hàng nghìn công ty vệ tinh và thuê người đứng tên lập hồ sơ vay khống.
Thủ đoạn mới tinh vi tránh sự kiểm soát của NHNN
Trước năm 2020 Trương Mỹ Lan dùng phương pháp lập hồ sơ để hợp thức các khoản vay và giải ngân ở các chi nhánh lớn của SCB. Dù SCB nhiều chi nhánh, nhưng các khoản giải ngân cho nhóm VTP chủ yếu ở 3 chi nhánh lớn (SCB chi nhánh Sài Gòn, SCB chi nhánh Cống Quỳnh, SCB chi nhánh Bến Thành) - là các đơn vị tuân thủ mệnh lệnh của Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Nhưng từ năm 2020 Trương Mỹ Lan đã cho thành lập 1 số đơn vị có chức năng vay như các chi nhánh, nhưng trực thuộc Hội sở Ngân hàng SCB để tránh sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM.
Các đơn vị cho vay này được thành lập từ tháng 3/2020, gồm Trung tâm kinh doanh khách hàng Wholesale; Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối doanh nghiệp (có đơn vị trực tiếp là Hub kinh doanh nhóm khách hàng doanh nghiệp); Kênh kinh doanh trực tiếp thuộc khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân (có đơn vị trực tiếp là Hub cho vay bất động sản HCM 2).
Cả 3 đơn vị này được có chức năng cho vay như chi nhánh nhưng khác biệt là thuộc quản lý điều hành của Hội sở SCB; không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu của đơn vị khác; không có bộ phận kho quỹ riêng.
Dư nợ các khoản vay của 3 đơn vị mới thành lập chiếm trên 38% tổng dư nợ
Kết quả xác minh, về số dư nợ các khoản cho vay nhóm Vạn Thịnh Phát cho thấy, số tiền giải ngân từ 3 đơn vị mới thành lập cao đột biến so với những chi nhánh SCB còn lại. Tổng dư nợ nhóm Vạn Thịnh Phát đến ngày khởi tố 677.286 tỷ đồng, trong đó:
03 đơn vị kinh doanh thuộc Hội sở (Wholesale, Kênh kinh doanh trực tiếp khách hàng doanh nghiệp, Hub cho vay bất động sản HCM2): Từ 3/6/2020 đến 24/6/2022 tổng cộng 3 đơn vị mới thành lập trên đã lập hồ sơ, giải ngân tiền cho 296 khách hàng (187 doanh nghiệp và 109 cá nhân) thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát. Tổng số tiền cho vay có có dư nợ gốc đến 17/10/2022 (thời điểm khởi tố) là 185.183 tỷ đồng, 27.542 tỷ đồng nợ lãi. Tổng nợ nhóm này là 212.725 tỷ đồng, chiếm 38,72% tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan.
SCB chi nhánh Sài Gòn: Giải ngân cho 195 khách hàng (98 cá nhân và 97 pháp nhân), dư nợ đến 17/10/2022 còn 134.714 tỷ đồng (gồm 78.865 tỷ đồng nợ gốc và 55.848 tỷ đồng nợ lãi).
SCB chi nhánh Cống Quỳnh: Giải ngân cho 163 khách hàng, dư nợ đến 17/10/2022 còn 108.753 tỷ đồng (gồm 70.952 tỷ đồng nợ gốc và 37.801 tỷ đồng nợ lãi).
SCB chi nhánh Bến Thành: Giải ngân cho 257 khách hàng (146 cá nhân và 111 pháp nhân), dư nợ gốc đến 17/10/2022 còn 114.216 tỷ đồng (gồm 78.208 tỷ đồng nợ gốc và 26.008 tỷ đồng nợ lãi).
06 chi nhánh còn lại: Giải ngân cho 100 khách hàng (gồm 21 cá nhân và 79 pháp nhân), dư nợ đến 17/10/2022 còn 106.786 tỷ đồng (trong đó 70.762 tỷ đồng nợ gốc và 36.114 tỷ đồng nợ lãi).
>>Trương Mỹ Lan, "phù thuỷ" của "đế chế" Vạn Thịnh Phát và hành trình thâu tóm, rút hơn 1 triệu tỷ đồng từ SCB
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Các khoản vay nhóm VTP tại SCB đều "chỉ ký hợp thức hóa hồ sơ, không thẩm định"
>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Sở hữu chưa đến 5% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã "điều khiển” SCB thế nào để rút hơn 1 triệu tỷ đồng?
Con 'chúa đảo' Tuần Châu đề nghị gì với tài sản liên quan tới bà Trương Mỹ Lan?
Vụ Vạn Thịnh Phát: Đề nghị xem xét lại, tòa nhà Times Square từng được định giá hơn 60.000 tỷ đồng