Doanh nghiệp

Vụ Vạn Thịnh Phát: Sở hữu chưa đến 5% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã "điều khiển” SCB thế nào để rút hơn 1 triệu tỷ đồng?

Hồ Nga 20/11/2023 23:13

Trương Mỹ Lan sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi từ người dân và các tổ chức; còn hoạt động cho vay chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Lan.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an đã ra kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan. Cơ quan cảnh sát điều tra cáo buộc bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng SCB.

Hơn 1,06 triệu tỷ đồng được giải ngân cho nhóm Vạn Thịnh Phát

Căn cứ chứng cứ điều tra thu thập xác định từ 1/1/2012 đến 7/12/2022 Ngân hàng SCB đã cho vay, giải ngân tổng cộng 1.366 khách hàng (gồm 710 cá nhân và 656 tổ chức) trong đó liên quan đến trách nhiệm của Trương Mỹ Lan và đồng phạm 2.527 khoản. Tổng số tiền giải ngân hơn 1,06 triệu tỷ đồng.

Kết quả điều tra ghi nhận đến ngày 17/12/2022 còn 875 khách hàng vay với dư nợ 677.286 tỷ đồng (trong đó có 483.971 tỷ đồng nợ gốc). Đáng chú ý tất cả các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi. Báo cáo cũng cho biết dư nợ gốc các khoản vay liên quan Trương Mỹ Lan chiếm đến 93% tổng dư nợ gốc.

Theo lời khai, thậm chí có những khoản vay được rút tiền trước, hoàn thiện hồ sơ sau. Kết quả điều tra xác minh hồ sơ vay vốn cho thấy có 201 khoản vay/169 khách hàng có hồ sơ vay vốn không có phê duyệt của cấp có thẩm quyền tại ngân hàng.

Sở hữu chưa đến 5% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã

Chỉ sở hữu chưa đến 5%, bà Trương Mỹ Lan điều khiển SCB thế nào?

Bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn VTP bao gồm khoảng 1.000 các công ty con, công ty liên kết như CTCP Tập đoàn VTP, CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát, CTCP Tập đoàn đầu tư An Đông, CTCP Tập đoàn Sài Gòn Penisula, CTCP Tập đoàn quản lý bất động sản Windor; CTCP Đầu tư Times Square…

Với chủ trương lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân bằng cách mua, sở hữu lượng lớn cổ phần tại 3 ngân hàng này.

Để thực hiện hành vi, dù không là lãnh đạo trực tiếp tại ngân hàng, nhưng Trương Mỹ Lan đã thâu tóm cổ phần SCB và để những pháp nhân, cá nhân khác đứng tên hộ.

Lời khai của Trương Mỹ Lan cho biết từ trước năm 2011, bằng hình thức nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan nắm giữ 81,42% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên 32 cổ đông; 80,46% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên 24 cổ đông và 98,74% vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín dưới tên 36 cổ đông.

Tên Ngân hàng
Tỷ lệ sở hữu cuối
Số cổ đông nhờ đứng tên
Ngân hàng Đệ Nhất
80,46%
24
Ngân hàng Việt Nam Thương Tín
98,74%
36
Ngân hàng Sài Gòn cũ
81,42%
32

Tháng 1/2012 Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra đời – là thành quả hợp nhất của 3 ngân hàng trên. Theo Luật, một cá nhân không thể sở hữu vượt quá 5% cổ phần của một ngân hàng, nên bà Lan chỉ có thể tự đứng tên dưới 5%; số còn lại ban đầu bà Lan phân tán cho 73 cá nhân, pháp nhân khác đứng tên hộ. Thời điểm đó bà Lan sở hữu chi phối 85,6% vốn điều lệ SCB. Đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần Ngân hàng SCB.

Theo báo cáo tại thời điểm khởi tố vụ án, SCB có vốn điều lệ hơn 15.231 tỷ đồng với 4.129 cổ đông. Trong đó nhóm Trương Mỹ Lan sở hữu 91,536% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên. Bản thân bà Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu gần 75,89 triệu cổ phần, tỷ lệ 4,982%.

Với việc nắm quyền chi phối cổ phần thông qua các cá nhân nhờ đứng tên, Trương Mỹ Lan đã đưa người của mình hoặc sử dụng các cá nhân Lan tin tưởng, thân tín, đều là những người có trình độ, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo lời chỉ đạo của Lan vào các vị trí chủ chốt tại Ngân hàng SCB.

Các vị trí chủ chốt do Lan bố trí được nhận mức lương cao từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng như Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng ban kiểm soát. Mục đích để sử dụng những người này điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB. Thực tế, các lãnh đạo của Ngân hàng SCB đều do Lan tuyển chọn và giao nhiệm vụ.

Bằng cách đó Trương Mỹ Lan sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiền gửi từ người dân và các tổ chức, huy động vốn từ các nguồn khác. Còn hoạt động cho vay, SCB lại chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của Trương Mỹ Lan.

Báo cáo ghi nhận, tính đến thời điểm khởi tố, số dư tiền gửi khách hàng tại SCB còn lại hơn 500.000 tỷ đồng.

Sở hữu chưa đến 5% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã

Quy trình giải ngân, rút tiền khỏi SCB

Để rút được tiền, Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại SCB và nhóm đối tượng tại tập đoàn VTP và các nhân viên/tổ chức liên quan lập hồ sơ khống hợp thức các khoản vay để rút tiền. Thủ đoạn như sau:

(1) Lập hàng nghìn pháp nhân ma/thuê các cá nhân để đứng tên khách hàng vay vốn

(2) Lập phương án vay vốn khống

(3) Đưa tài sản không đủ pháp lý/không đủ điều kiện để thế chấp, nâng khống giá trị, không đăng ký giao dịch đảm bảo, thông đồng đơn vị định giá để hợp thức giá trị

(4) Lập các thủ tục thẩm định, phê duyệt các khoản vay như một hồ sơ vay vốn thông thường

(5) Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản chỉ định, sử dụng hàng nghìn pháp nhân ma/nhờ, thuê cá nhân mở tài khoản để chuyển lòng vòng, chuyển khoản ra khỏi SCB rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, chỉ đạo sử dụng.

>>Vụ Vạn Thịnh Phát: Các khoản vay nhóm VTP tại SCB đều "chỉ ký hợp thức hóa hồ sơ, không thẩm định"

>>Chiếm đoạt hàng chục tỷ USD, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát lọt Top 3 lừa đảo tài chính toàn cầu?

Chiếm đoạt hàng chục tỷ USD, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát lọt Top 3 lừa đảo tài chính toàn cầu?

Vụ Vạn Thịnh Phát: Các khoản vay nhóm VTP tại SCB đều "chỉ ký hợp thức hóa hồ sơ, không thẩm định"

Vụ Vạn Thịnh Phát: Số liệu của SCB đã được "làm mờ" như thế nào?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/so-huu-chua-den-5-co-phan-truong-my-lan-da-dieu-khien-scb-the-nao-de-rut-hon-1-trieu-ty-dong-211762.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Sở hữu chưa đến 5% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã "điều khiển” SCB thế nào để rút hơn 1 triệu tỷ đồng?
POWERED BY ONECMS & INTECH