Sống

Bí mật ở ngôi làng duy nhất Trung Quốc nói tiếng Việt, hát quan họ, ăn bánh chưng

Quỳnh Châu 30/08/2023 09:48

Trải qua hơn 500 năm lịch sử, bộ tộc này tại Trung Quốc vẫn dùng tiếng Việt làm phương tiện giao tiếp hằng ngày, ăn nước mắm, chơi đàn bầu...

Chỉ cách cửa khẩu Móng Cái, Việt Nam chừng hơn 25km, thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) hiện ra với những dãy nhà cao tầng, trung tâm thương mại sầm uất. Ở đây, vùng làng chài Tam Đảo là nơi sinh sống duy nhất của bộ tộc Kinh. Và hằng ngày họ vẫn dùng tiếng Việt giao tiếp, con em được giáo dục thông qua những cuốn sách giáo khoa bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

Theo gia phả ghi lại, vào thế kỷ thứ 17, một bộ phận người Việt từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đã sang Tam Đảo (Trung Quốc) định cư và hành nghề chài biển. Thời đó chữ quốc ngữ chưa ra đời nên tất cả sổ sách, chữ viết là chữ Nôm.

Ban đầu, vùng đất này có 3 thôn là Vạn Vĩ, Mu Đầu và Sơn Tâm, chưa đầy 100 người với 12 dòng họ: Tô, Đỗ, Nguyễn, Hoàng, Vũ, Bùi, Cao, Ngô, La, Cung, Khổng và Lương. Sau này, nhờ sự bù đắp phù sa nên 3 hòn đảo đã hợp thành đất liền và phát triển thêm một số thôn xóm khác. Thế nhưng, cái tên Tam Đảo vẫn còn giữ nguyên vẹn. Đồng thời, bộ tộc có nguồn gốc Việt Nam được ghi nhận là tộc Kinh cùng 56 dân tộc khác của Trung Hoa.

Empty

Người dân tộc Kinh hát quan họ Bắc Ninh, nói tiếng Việt tại Trung Quốc. Ảnh: Người Lao Động.

Trải qua 500 năm, Tam Đảo hiện nay ước tính có gần 20.000 người gốc Việt thuộc thế hệ thứ 9-10. Mặc dù đã không còn mối liên hệ với gốc gác tại Việt Nam, thế nhưng họ vẫn lưu giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ thông qua việc sử dụng hằng ngày và các giá trị văn hóa từ thời cha ông.

Chẳng hạn như từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp, con cháu sẽ đi tảo mộ ông bà, cha mẹ. Trong ngày 30 Tết, người Kinh ở đây cũng sẽ giết heo, gà, vịt đủ dùng cho cả ngày mùng 1 Tết để không sát sinh, lấy may mắn đầu năm. Cũng như cha ông, người Việt tại Tam Đảo vẫn duy trì việc cúng cơm trong những ngày Tết.

Vào ngày mùng 2 Tết, con gái đi lấy chồng phải về chúc mừng năm mới cha mẹ đẻ và phải mang theo gà, bánh chưng, hoa quả. Sau đó, ông bà sẽ mừng tuổi cho con cháu. Các dòng họ ở Tam Đảo có số ngày ăn Tết khác nhau, đối với họ Tô ăn Tết sau 3 ngày là hóa vàng.

Đồng thời, để tưởng nhớ công ơn vị thần đã che chở cho bà con Kinh tộc, người dân Tam Đảo vẫn gìn giữ truyền thống hội đình vào ngày 9/6 (Âm lịch) hằng năm và kéo dài trong vòng một tuần. Cũng phong tục này, người dân Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) tổ chức hội vào ngày 1/6 (Âm lịch).

Đặc biệt, ngày nay ở thôn Sơn Tâm, những người con Hải Phòng lưu lạc vẫn giữ gìn được lễ hội chọi trâu lâu đời vào ngày 10/8. Đến nay, những người con Đồ Sơn trên đất Quảng Tây vẫn thuộc nằm lòng câu ca:

“Dù ai buôn đâu, bán đâu,

Mùng 10 tháng 8 chọi trâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Mùng 10 tháng 8 thì về chọi trâu”

Không chỉ lưu giữ những điều đó, người Việt ở Quảng Tây vẫn lưu giữ được lối hát đối đáp giao duyên nghe du dương và trữ tình, kiểu như hát Quan họ ở miền Bắc Việt Nam bây giờ. Lối hát đúm hát đối này thường được tổ chức vào ngày Tết, ngày Hội. Nhạc cụ cổ truyền của người Kinh vẫn được họ gìn giữ và sử dụng thường xuyên như đàn nhị, sáo trúc, trống, cồng và đàn bầu là một nhạc khí chỉ riêng Kinh tộc có mà thôi. Người Kinh ở đây vẫn lưu giữ một kho tàng văn học dân gian truyền khẩu phong phú với ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích...

Empty

Bà Tô Tiết, thế hệ thứ 10 của người dân tộc Kinh tại Trung Quốc chơi đàn bầu. Ảnh: Người Lao Động.

Về ẩm thực, người Kinh ở Tam Đảo vẫn làm nước mắm từ cá biển để chấm và nêm thức ăn như người Việt ở Việt Nam. Một trong những món ăn ưa thích của họ là bánh đa, bún riêu, bún ốc với hương vị đặc trưng của Việt Nam.

Phụ nữ Việt ở Vạn Vĩ thích áo dài và mặc áo dài hằng ngày. Đặc biệt, họ mặc áo dài truyền thống của Việt Nam với tà dài, quần ống suông, nón lá. Dịp hội làng hay ngày lễ, Tết, họ thường mặc áo dài đủ sắc màu và hát những bài hát Việt Nam.

Không gian làng người Kinh chẳng khác gì vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Vẫn là ngôi đình, giếng nước, lũy tre, ruộng lúa, hoa màu… Rồi cũng là những người phụ nữ đội nón lá, cuốc đất trò chuyện với nhau bằng tiếng Việt.

Empty

Ông Lý Hiển, người trông coi Bảo tàng Dân tộc Kinh do tỉnh Quảng Tây quản lý, kể rằng: "Trước kia, những người dân mà chúng tôi gặp được gọi là người An Nam, người Việt nhưng giờ đây được chính thức gọi là người Kinh. Đây là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất ở Trung Quốc".

Theo lời kể, xưa kia có 12 dòng họ tổ gốc Việt di cư theo luồng cá và chia nhau ở trên 3 hòn đảo lần lượt có tên là Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu. Dần dần, 3 hòn đảo bị bồi lấp thành bán đảo Tam Đảo như hiện nay.

Ông Hiển cho biết chính quyền sở tại vừa cho phép các trường học ở khu vực có dân tộc Kinh sinh sống đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy. Đây là môn không bắt buộc nhưng gần như cháu nào cũng đều đăng ký học thêm. "Vốn sẵn giao tiếp với cha mẹ ở nhà bằng tiếng Việt nên khi cô giáo dạy, những đứa trẻ tiếp thu rất nhanh" - ông Hiển nói.

Ngoài việc tích cực giữ gìn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, người Kinh ở Tam Đảo còn là một dân số thiểu số đi đầu trong việc phát triển kinh tế và được mệnh danh là "dân tộc thiểu số giàu nhất Trung Quốc".

Thân thế "đại phú hào” mở ngân hàng đầu tiên của người Việt: Người Nam Kỳ nhiều đất nhất Đông Dương, đám tang 7 ngày 7 đêm nghìn người viếng

Việt Nam – Trung Quốc trao thỏa thuận hợp tác xây dựng 3 tuyến đường sắt

EU đạt thỏa thuận lịch sử sau 25 năm đàm phán, quyết giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đặt cược tương lai vào 'vàng trắng'?

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bi-mat-o-vung-dat-duy-nhat-trung-quoc-noi-tieng-viet-hat-quan-ho-an-banh-chung-d107856.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bí mật ở ngôi làng duy nhất Trung Quốc nói tiếng Việt, hát quan họ, ăn bánh chưng
    POWERED BY ONECMS & INTECH