Bí quyết trường thọ ở ngôi làng độc nhất Việt Nam có hơn 10 cụ sống tới 117 tuổi, bô lão 90, 100 tuổi chẳng hiếm gặp
Những bô lão 90 tuổi hay 100 tuổi, ở vùng này chẳng hiếm gặp, bởi toàn xã dân số chỉ có 7.000 hộ nhưng đã có hơn 1.000 cụ trong độ tuổi từ 70 đến 100.
Nằm ven dòng sông Hậu hiền hòa, chỉ cần qua phà Sơn Đốt là đã đến được xã Nhơn Mỹ. Vốn là xã ven sông, thuộc Cù lao Ông Chưởng, Nhơn Mỹ có nền kinh tế khá phát triển. Đặc biệt, nơi đây còn được mệnh danh là làng trường thọ ở miền Tây.
Năm 2019, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Mỹ từng chia sẻ trên Báo Thanh Niên, toàn xã có 1.785 cụ ông, cụ bà từ 60 tuổi trở lên. Riêng ấp Nhơn An có nhiều cụ cao tuổi nhất với 85 cụ trên 80 tuổi. Trong số những cụ vừa qua đời lúc bấy giờ, có 3 cụ bà trên 100 tuổi, trong đó, cụ cao tuổi nhất là 112 tuổi. Theo ông Thứng, so với trước đây thì con số kể trên rất khiêm tốn, bởi ấp Nhơn An từng có hơn 10 cụ sống tới 117 tuổi...
Còn theo thống kê vào tháng 6/2022, số người cao tuổi ở xã Nhơn Mỹ đã lên tới 3.000 người, trong đó gần 530 cụ trên tuổi 80. Các cụ ở đây đa phần đều khỏe mạnh, sống vui vẻ, có gia đình còn đầy đủ cụ ông, cụ bà, con cháu thì lên đến con số hàng trăm.
Dù lớn tuổi nhưng nhiều cụ ở làng trường thọ vẫn còn minh mẫn, sống vui, khỏe cùng con cháu. Ảnh: Báo Thanh Niên. |
Nói về bí quyết để “trường thọ”, nhiều cụ chỉ cười trừ. Bởi với các cụ, chẳng có gì đặc biệt để gọi là bí quyết. Có cụ nói vui rằng, chính nhờ cuộc sống, bầu không khí trong lành đã giúp cho mình trường thọ. Một cụ ông gần 100 tuổi chia sẻ: “Hằng ngày tôi vẫn giữ thói quen ăn uống điều độ, chịu khó vận động. Thú vui của tôi là đi làm từ thiện. Rảnh rỗi thì trồng các loại cây xanh, rau, quả để vừa có thực phẩm sạch, vừa đỡ tốn tiền. Ngoài ra, tôi sống thảnh thơi, vô lo vô nghĩ nên tâm nhẹ nhàng, sức khỏe cũng tốt theo”.
Điểm chung dễ nhận thấy nhất ở các cụ là ai cũng có quá trình lao động liên tục, hăng hái làm việc thiện, sống vui vẻ, ít uống rượu, hút thuốc, cùng với đó là sống trong môi trường nhiều cây xanh...
Ngoài ra, người dân nơi đây còn có phong trào tập dưỡng sinh và ngồi thiền. Tuy nhiên, phong trào này mới xuất hiện một thời gian ngắn trong khi "truyền thống" sống thọ đã có cả thế kỷ. Người dân trong ấp cũng không giàu có, an nhàn, từ thời trẻ đến lúc già đều lao động chân tay vất vả mưu sinh. Do vậy, nhiều người ví von, có khi nghèo khổ, lao động vất vả chính là bí quyết trường thọ.
Một số người cho rằng, cuộc sống miền sông nước nghèo, con người Nhơn An cũng an phận với hoàn cảnh, chẳng bon chen với ai, lao động chân chính kiếm sống, lại nằm dưới chân đất Phật (núi Cấm), nên người dân ít buồn phiền, sống vui vẻ hòa nhã. Ai có ưu phiền thì lên chùa thắp nén nhang, nghe bài kinh… lại thấy lòng thanh thản.
Phó trưởng ấp Nhơn An, xã Nhơn Mỹ cho biết, từ năm 2015, những người cao niên trong ấp đã đứng ra thành lập nhóm hốt thuốc từ thiện, thành viên đều có tuổi đời trên 80. Mỗi ngày, các cụ đi tìm dược liệu rồi chặt thuốc đem phơi, bào chế, đóng gói… cung cấp cho các phòng khám từ thiện. Hàng ngày các cụ bảo nhau giữ thói quen ăn uống điều độ, chịu khó vận động, rảnh là đi làm từ thiện, sống thảnh thơi, tâm nhẹ nhàng nên cả làng sống thọ.
Ông cũng cho biết thêm, thực đơn thường ngày của bà con trong ấp khá đơn giản, thường chỉ rau với cá. Cá bắt trực tiếp dưới sông Hậu. Cù lao Nhơn An hứng trọn luồng chảy từ sông Mê Kông về. Vào mùa lũ, hàng ngàn loại tôm cá đổ vào, tràn lên các cánh đồng ngập nước, đẻ trứng, sinh con, rồi khi nước rút lại men theo các kênh rạch trở về sông Cả.
Người dân nơi đây thường chặn kênh rạch, vào mùa bắt được nhiều đến nỗi cá tôm ăn không hết, làm nước mắm, có khi đổ thành từng đống để làm... phân bón. Ngoài món cá, người dân còn dùng rau sạch do gia đình tự trồng trong vườn nhà, rất ít khi phải mua thực phẩm từ chợ. Vì thế, có lẽ ăn "sạch", lao động chăm chỉ, sống không bon chen, không đố kỵ chính là bí quyết khiến người dân Nhơn An trường thọ.