Biết 6 tác hại này, bạn không dám nhịn ăn giảm cân
Ngoài hôi miệng, suy giảm trí nhớ, mệt mỏi, người nhịn ăn còn đối diện với nhiều nguy hại cho sức khỏe khác.
Nhập viện vì detox
Chị Quỳnh Anh ( 25 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) phải vào viện cấp cứu vì nhịn ăn giảm cân. Sau khi chị sinh con đầu lòng, cân nặng không giảm, vẫn duy trì ở mức 70 kg. Mặc cảm, tự ti vì thân hình quá khổ, bà mẹ trẻ tìm mọi cách giảm cân để trở lại công việc. Tuy nhiên, ăn chế độ nào được vài hôm chị đều thấy mệt, chóng mặt. Gần đây, chị quyết tâm nhịn ăn và chỉ uống nước detox cơ thể.
Theo đó, mỗi ngày chị uống nước hoa quả detox 3 lần, duy trì trong 3 tuần. Tuy nhiên, chỉ được 10 ngày, người phụ nữ này đã không chịu được. Chân tay chị bủn rủn, người không còn sức sống, đi ngoài phân sống. Cân nặng giảm được 5kg nhưng về mặt sức khỏe cũng suy giảm. Khi đến bệnh viện khám, chị trong tình trạng kiệt sức, thần sắc tái nhợt và kèm theo đau dạ dày cấp.
Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), cho biết nhu cầu giảm cân hiện nay rất lớn. Chính vì vậy, có nhiều phương pháp giảm cân được chia sẻ trong đó có nhịn ăn và chỉ detox bằng nước hoa quả, nước lọc.
Tuy nhiên, các phương pháp giảm cân này có thể gây tác dụng ngược lại. Khi bạn nhịn ăn nhưng cơ thể vẫn phải hoạt động, cần năng lượng tiêu hao dẫn tới suy kiệt, mệt mỏi, tiêu cơ và ảnh hưởng tới nhiều chức năng của cơ thể. Đặc biệt, những người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa nếu áp dụng cách này sẽ nguy hiểm.
Những tác động của nhịn ăn
Thứ nhất, hơi thở có mùi
Nhịn ăn sẽ khiến miệng không tiết nước bọt nhiều như khi bạn nhai thức ăn. Điều này làm miệng bạn khô hơn, làm gia tăng lượng vi khuẩn gây mùi. Đó chính là lý do bạn hay có cảm giác khát nước, nhạt miệng, hoặc miệng bị đắng.
Thứ hai, làm chậm quá trình trao đổi chất
Khi bạn nhịn ăn, cơ thể bị thiếu hụt 1 lượng dinh dưỡng đáng kể. Quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng chậm lại, ảnh hưởng tới khả năng giảm mỡ của cơ thể.
Thứ ba, thiếu chất và thiếu sức sống
Thiếu sức sống là biểu hiện rõ rệt của tình trạng nhịn ăn để giảm cân. Nguyên nhân chủ yếu do cơ thể không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì hoạt động thường ngày. Có người nhịn ăn 1 bữa, 2 bữa, hay chỉ uống nước hoặc ăn rau, cân nặng có giảm nhưng cơ thể sẽ mệt mỏi, mặt mũi hốc hác.
Thứ tư, mắc chứng cuồng đồ ăn hoặc bệnh chán ăn
Nhịn ăn liên tục bạn có thể đối diện với hai chứng: Một là cuồng đồ ăn do cơ thể đã lâu không được “đánh thức vị giác”. Nếu mắc chứng cuồng ăn, cơ thể lại bị dư thừa chất, tích tụ mỡ.
Hai là bạn có nguy cơ mắc căn bệnh biếng ăn nguy hiểm khi để tình trạng ăn ít, nhịn ăn kéo dài. Bạn có nguy cơ suy nhược cơ thể, toàn bộ nhịp sinh học sẽ bị đảo lộn.
Thứ năm, hạ đường huyết
Quá trình phân giải chất carbonhydrate có trong thức ăn sẽ quyết định đến nồng độ glucose trong máu. Vì vậy, khi bạn không ăn hoặc ăn quá ít, cơ thể sẽ mệt mỏi do lượng glucose giảm sút. Bạn rất dễ bị chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi lạnh, hay thậm chí là nhịp tim nhanh đi không vững.
Thứ sáu, suy giảm trí nhớ
Lipid là thành phần quan trọng cấu tạo lên bao myelin xung quanh các sợi dây thần kinh, đóng vai trò truyền thông tin. Khi bạn nhịn ăn để giảm cân, đồng nghĩa với nguồn năng lượng cung cấp cho não hoạt động bị suy giảm, hơn nữa khả năng không cung cấp đủ lượng lipid cần thiết cũng làm tổn thương bao myelin sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh đặc biệt là não bộ.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, để giảm cân an toàn và hiệu quả nên áp dụng những phương pháp truyền thống bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thức ăn nhanh, tăng cường luyện tập.