Vĩ mô

Bộ Chính trị thông qua nhóm giải pháp đột phá cho giao thông Hà Nội

Hải Phương 27/05/2024 - 12:23

Kết luận số 80 - KL/TW ngày 24/5 của Bộ Chính trị đã thông qua một loạt giải pháp cho công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông của Hà Nội, tạo nên động lực to lớn để TP có những đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Ưu tiên xây dựng hạ tầng

Ngày 24/5 vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 80 - KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu cho Hà Nội hoàn thành 14 tuyến ĐSĐT trước năm 2035
Bộ Chính trị đặt mục tiêu cho Hà Nội hoàn thành 14 tuyến ĐSĐT trước năm 2035

Căn cứ trên Tờ trình, báo cáo của Thành uỷ Hà Nội, Bộ Chính trị đã cơ bản thống nhất với các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và nội dung chủ yếu của các quy hoạch; đồng thời nhấn mạnh một số nội dung, đặc biệt là cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông.

Cụ thể, tại Kết luận số 80 - KL/TW, Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội tập trung xây dựng kế hoạch và chương trình phát triển đô thị theo mô thức đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, vùng đô thị... để triển khai thực hiện hai quy hoạch của Thủ đô có hiệu quả.

Tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ, hàng không, đường sắt của Thủ đô Hà Nội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước.

Thống nhất về sự cần thiết bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hoà Lạc; đồng thời, nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng về sự phù hợp, các tác động đến kinh tế - xã hội của Thủ đô và những địa phương lân cận để xác định địa điểm đặt sân bay thứ hai, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô và khu vực đồng bằng Sông Hồng.

Cần ưu tiên triển khai sớm việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT). Đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị.

Phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến ĐSĐT và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua Sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.

Phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, ĐSĐT gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh.

Gắn với Luật Thủ đô sửa đổi

Để thực hiện hiệu quả công tác đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, Bộ Chính trị đề nghị Hà Nội tiếp tục rà soát, hoàn thiện giải pháp tổ chức thực hiện các quy hoạch.

Cùng với 14 tuyến ĐSĐT, Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình TOD
Cùng với 14 tuyến ĐSĐT, Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình TOD

Nhất là giải pháp khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển như mở rộng không gian phát triển thông qua xây dựng Vành đai 4, Vành đai 5 và các trục phát triển để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Khai thác hiệu quả hơn nữa không gian trên cao và không gian ngầm; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá các quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hình thành nguồn tài nguyên số.

Kế thừa định hướng quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các TP trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, các thị trấn sinh thái; phát triển đô thị theo mô hình TOD, xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, tạo động lực phát triển, hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Riêng việc đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm TP Hà Nội, qua ga Hà Nội theo đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Đánh giá cụ thể các hạn chế, bất cập để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá, chiến lược gắn với lộ trình ưu tiên thực hiện.

Giải pháp thực hiện các quy hoạch cần gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để phát triển Thủ đô, gắn với Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cơ chế thí điểm phù hợp, hiệu quả cho Thủ đô, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, cơ chế hợp tác công tư, quy hoạch, giao thông...

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu chia sẻ: “Kết luận số 80 - KL/TW của Bộ Chính trị là văn bản rất quan trọng, tạo nên tiền đề, cơ sở để Hà Nội được thông qua chủ trương điều chỉnh hai đồ án quy hoạch lớn.

Đặc biệt, với Luật Thủ đô sửa đổi, TP sẽ có điều kiện để bứt phá khỏi những vướng mắc về cơ chế, chính sách lâu nay, bước những bước rất dài đến mục tiêu tái thiết đô thị, phát triển hệ thống giao thông năng lực cao, hiện đại và văn minh”.

Hà Nội cần thêm hơn 55 tỷ USD để phát triển hệ thống đường sắt đô thị dày đặc, ngang tầm thế giới với 15 tuyến đường

Sửa Luật Thủ đô: ưu tiên thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống

Sửa Luật Thủ đô: Cần chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường kéo dài

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/bo-chinh-tri-thong-qua-nhom-giai-phap-dot-pha-cho-giao-thong-ha-noi.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ Chính trị thông qua nhóm giải pháp đột phá cho giao thông Hà Nội
    POWERED BY ONECMS & INTECH