Bộ Công Thương ra tay siết hoạt động quảng cáo của KOLs, KOCs
Mới đây, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) đã thông tin đến bạn đọc nội dung “Hoạt động quảng cáo của người có ảnh hưởng dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý".
Theo đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định, một trong những trách nhiệm của người có ảnh hưởng là “thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ”.
Người có ảnh hưởng, trên tư cách cá nhân kinh doanh hoặc bên thứ ba cung cấp thông tin, khi cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ cho người tiêu dùng hoặc không thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 24/2025/NĐ-CP ngày 21/02/2025. Mức phạt áp dụng cho hành vi này là từ 20 đến 30 triệu đồng.
>>ĐBQH: Cả chợ Ninh Hiệp công khai bán hàng giả, hàng nhái nhưng không thấy cơ quan chức năng đâu?
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Để tăng cường hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã đưa ra giải pháp cụ thể như sau:
Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh tài trợ để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người có ảnh hưởng nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định trách nhiệm của từng chủ thể, cụ thể như sau:
- Đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh: thông báo trước, công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
- Đối với người có ảnh hưởng (KOLs, KOCs):
1. Trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ trên tư cách là cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Khi người có ảnh hưởng tham gia cung cấp thông tin cho người tiêu dùng với tư cách là cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì phải tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, trong đó có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm: đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, xuất xứ hàng hóa, thời hạn sử dụng, phí, chi phí, phương thức, thời hạn giao hàng, phương thức vận chuyển, thanh toán.
Trường hợp người có ảnh hưởng tự thực hiện các thử nghiệm sản phẩm và đưa ra các đánh giá, nhận định mang tính cá nhân, nếu những nội dung này không chính xác, thiếu cơ sở, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, thì có thể bị xem là hành vi cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ và có thể bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
2. Trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ trên tư cách là người thứ ba cung cấp thông tin.
Khi người có ảnh hưởng tham gia cung cấp thông tin cho người tiêu dùng với tư cách là bên thứ ba cung cấp thông tin thì phải có trách nhiệm bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp và chương trình đánh giá, xếp hạng liên quan và yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin, tài liệu, phương tiện để chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (khoản 1 Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
3. Trách nhiệm cung cấp thông tin về việc nhận tài trợ để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng.
Trường hợp người có ảnh hưởng nhận tài trợ dưới mọi hình thức từ tổ chức, cá nhân kinh doanh để cung cấp, giới thiệu thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh tới người tiêu dùng thì người có ảnh hưởng còn có trách nhiệm thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình được tài trợ để cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (điểm b khoản 3 Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023).
Để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, yêu cầu đặt ra là các chủ thể tham gia - tổ chức, cá nhân kinh doanh và người có ảnh hưởng - tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin và trách nhiệm minh bạch trong hoạt động quảng cáo. Với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, hoạt động quảng cáo trên không gian mạng sẽ ngày càng minh bạch hơn, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường.
Từ vụ kẹo rau củ Kera, người nổi tiếng quảng cáo sai sẽ bị hạn chế xuất hiện
Tăng nặng mức xử phạt đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo lố, sai sự thật