Bộ GTVT đặt mục tiêu giải ngân tối thiểu đạt 95% năm 2023
Trong tháng cuối cùng của năm 2023, ngoài việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án hạ tầng trọng điểm, Bộ GTVT cũng cam kết sẽ hoàn thiện đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.
Trong báo cáo về tình hình thực hiện công tác tháng 11 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 của Bộ GTVT vừa gửi Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết: Tổng kế hoạch giải ngân năm 2023 khoảng 95.000 tỷ đồng bao gồm 94.000 tỷ đồng kế hoạch năm nay và 1.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 kéo dài.
Giải ngân đầu tư công đạt 76%
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 71.200 tỷ đồng (4.075 tỷ đồng vốn nước ngoài; 67.125 tỷ đồng vốn trong nước), đạt 75,6% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong tháng 11/2023, Bộ GTVT đã hoàn thành phân bổ và giao chi tiết 100% kế hoạch qua 10 đợt cho các Chủ đầu tư/Ban quản lý dự án và khởi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Có được kết quả này, các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án đã phối hợp, hỗ trợ tối đa cho các nhà thầu trong công tác nghiệm thu, thanh toán, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, kéo dài thời gian thanh toán; cùng với đó nghiên cứu, rút ngắn quy trình nghiệm thu, thanh toán, vừa đảm bảo chặt chẽ, thuận lợi cho nhà thầu.
Để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, nhà thầu cập nhật tiến độ triển khai chi tiết để chủ động có phương án, giải pháp quản lý, điều hành hiệu quả cho từng dự án; bổ sung thêm các mũi để thi công ngay công trình cầu, hầm chui dân sinh, cống, gia cố mái ta luy... phù hợp với tiến độ thi công nền đường, trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Mới đây, trong 2 ngày (15-16/11), Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đảm bảo nguồn cung vật liệu cát đắp cho các Dự án thành phần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong công tác quản lý, khai thác vận hành các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đang khẩn trương triển khai đầu tư hệ thống giao thông thông minh, phương án đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, lắp đặt trạm cân trên đường cao tốc, phương án thu phí...
Ngoài ra, cơ quan này cũng đã chấp thuận về nguyên tắc đối với 3 Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông gồm Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm và Cam Lâm-Vĩnh Hảo theo mô hình đầu vào không có barrie, đầu ra có barrie, không có làn thu phí hỗn hợp.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi quy định để tiến tới nâng tốc độ khai thác trên một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư lên 90km/h; dự kiến hoàn thành trong quý 1/2024.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao, Bộ GTVT đã tiếp thu, giải trình, hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư Đường sắt Tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Ngày 21/11 vừa qua, Ban cán sự đảng Bộ đã có Tờ trình Ban cán sự đảng Chính phủ về đề án.
Phối hợp địa phương tháo gỡ vướng mắc vật liệu
Trong tháng cuối cùng của năm 2023, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư Đường sắt Tốc độ cao trên trục Bắc-Nam sau khi có ý kiến của Ban cán sự đảng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là vật liệu phục vụ thi công các dự án trọng điểm để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án.
Bộ GTVT khẳng định sẽ chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án, nhà thầu liên tục cập nhật tiến độ thi công chi tiết, bố trí đầy đủ nhân lực, thiết bị, máy móc, tài chính, tranh thủ thời điểm có thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các dự án trọng điểm ngành GTVT; tập trung hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 và Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ để đưa vào khai thác vào cuối tháng 12/2023.
Với mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án tích cực, nỗ lực với quyết tâm cao nhất để đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh, khó khăn, vướng mắc; triển khai xây dựng quy chuẩn về đường cao tốc, đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc; rà soát, bổ sung các định mức trong lĩnh vực đầu tư xây dựng; hoàn thiện đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.
Chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành lãi gần 10.000 tỷ đồng năm 2024
Những loại xe ô tô bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình từ năm 2025