Theo Bộ GTVT, các dự án đường sắt đô thị đều có tồn tại hạn chế liên quan tới năng lực hạn chế của chủ đầu tư dự án trong quản lý dự án, sự chỉ đạo còn nhiều lúng túng.
Trong báo cáo mới nhất gửi Quốc hội, Bộ GTVT cho biết, hiện cả nước có 4 dự án đường sắt đô thị (metro) đang triển khai. Trong đó, Hà Nội có dự án metro Nhổn - ga Hà Nội và tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; TPHCM có metro Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương. Các dự án này đều sử dụng vốn ODA, nhưng chậm tiến độ nhiều năm và đội vốn.
Theo Bộ GTVT, các dự án trên đều có tồn tại hạn chế liên quan tới năng lực hạn chế của chủ đầu tư dự án trong quản lý dự án. Sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.... cũng là yếu tố khiến các dự án bị chậm tiến độ.
Tại Hà Nội, với metro Nhổn - ga Hà Nội, theo tiến độ gia hạn phải hoàn thành năm 2022, nhưng tới nay đoạn trên cao mới hoàn thành thi công hơn 95%, đoạn ngầm mới đạt 33%. Dự kiến Hà Nội sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành tới cuối năm 2027.
Còn tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cho tới nay vẫn chưa xong khâu thiết kế do liên quan vị trí đặt ga C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án này.
Bộ GTVT đã chỉ rõ còn nhiều tồn tại, hạn chế tại các dự án metro tại Hà Nội dẫn tới chậm tiến độ, đội vốn, như: Công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; các đơn vị thiếu kinh nghiệm; sự khác biệt giữa luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu của nhà tài trợ vốn; vướng mắc giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh dự án phức tạp...
Còn đối với TP HCM, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, tiến độ điều chỉnh gần nhất là hoàn thành vào năm 2021, nhưng tới nay mới thi công đạt gần 91% khối lượng. Dự kiến tiến độ dự án này cũng phải điều chỉnh lùi tới cuối năm 2023.
Dự án metro Bến Thành - Tham Lương dù mục tiêu hoàn thành năm 2026, nhưng tới nay mới xong gói thầu nhà văn phòng, các công trình phụ trợ tại khu kỹ thuật, các gói thầu khác đang trong giai đoạn chuẩn bị chọn nhà thầu.
Đối với 2 dự án metro do TP HCM phụ trách, Bộ GTVT cũng dẫn hàng loạt vấn đề tồn tại, vướng mắc, như: Ảnh hưởng dịch COVID-19; điều chỉnh dự án; giải phóng mặt bằng khó khăn...
Các dự án tại TPHCM cũng gặp vấn đề hạn chế năng lực của chủ đầu tư/ban quản lý dự án trong điều hành; Sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.
Đại biểu lo lắng về thời gian di chuyển của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT nói gì?
Phương án đường sắt tốc độ cao qua Nam Định sẽ thu lợi khoảng 400 triệu USD