Bộ GTVT: Tốc độ trên đường sắt cao tốc Bắc - Nam phải là 350km/h mới khả thi
Căn cứ mức độ tin cậy, hiệu quả và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Về công nghệ, Bộ GTVT chỉ ra rằng có ba loại hình công nghệ trên thế giới. Đầu tiên là công nghệ chạy trên ray, tốc độ khoảng 250-350 km/h, chi phí đầu tư trung bình, được đa số các nước trên thế giới lựa chọn. Thứ hai là công nghệ chạy trên đệm từ trường, tốc độ khoảng 600 km/h, nhưng chi phí đầu tư cao, chưa phổ biến. Cuối cùng là công nghệ chạy trong ống, tốc độ lên đến khoảng 1.200 km/h, chi phí đầu tư rất cao, mới đang xây dựng thử nghiệm.
Căn cứ mức độ tin cậy, hiệu quả và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Bộ GTVT kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.
Về lựa chọn tốc độ thiết kế, Bộ GTVT chỉ ra rằng tốc độ 350 km/h là phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.
Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km |
>> Đón tin vui từ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hai cổ phiếu bất ngờ tăng kịch trần
Ngoài ra, theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - TP.HCM, với tốc độ 350 km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250 km/h; chi phí đầu tư tốc độ 350 km/h cao hơn tốc độ 250 km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250 km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350 km/h là khó khả thi và không hiệu quả.
Theo đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.
Cơ quan lập báo cáo cũng lý giải phương án đầu tư toàn tuyến sẽ phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả các cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác; đánh giá các chỉ tiêu kinh tế cho thấy, phương án này tối ưu hơn phương án phân kỳ đầu tư, tuy nhiên nhược điểm của phương án này là áp lực về vốn và tổ chức thực hiện cao hơn.
Bộ GTVT đề xuất dùng vốn ngân sách Trung ương xây cầu Phong Châu mới
Bộ GTVT ấn định thời gian hoàn thành 'siêu sân bay' lớn nhất Việt Nam