Bỏ 'ông lớn' ô tô, tiến sỹ người Việt khởi nghiệp bán bún ở Pháp

12-11-2023 06:36|Tuân Nguyễn

Từng là tiến sỹ, kỹ sư ô tô nhưng Phan Viết Phong (43 tuổi) bất ngờ xin nghỉ việc, xếp lại áo vest, giày da để khoác lên chiếc tạp dề khởi nghiệp với ẩm thực Việt trên đất Pháp.

Cơ duyên đến với nghiệp kinh doanh

Năm 2011, Phan Viết Phong được Tập đoàn Renault nhận vào làm việc với vai trò là quản lý dự án với mức lương đáng mơ ước.

Tuy nhiên, vừa đi làm được khoảng 1 tháng thì anh nhận được tin gia đình ở Việt Nam rơi vào tình trạng phá sản, để lại khoản nợ gần 1 triệu USD. Là người có công việc ổn định và lương cao nhất, ông Phong trở thành niềm hy vọng của cả gia đình giúp khỏi nợ nần.

Đang đang loay hoay bế tắc thì năm 2014, một người bạn rủ ông Phong đến thăm một người bà con tên Trà sống ở thành phố Grenoble (Pháp). Không ngờ cuộc gặp gỡ định với người phụ nữ gốc Việt ở thành phố này lại khiến cho cuộc đời của ông thay đổi hoàn toàn.

“Cô Trà đã định cư ở Pháp 30 năm và kinh doanh nhà hàng. Nhà hàng khá đông khách ở thời điểm đó. Do tuổi đã cao và muốn nghỉ ngơi, cô ngỏ ý muốn nhượng lại nhà hàng cho tôi với giá 150.000 Euro”, ông Phong kể lại.

Dù chẳng có đồng vốn nào, nhưng đang bế tắc nên nghĩ, tại sao không thử chuyển hướng? Do không có tiền, bà Trà giúp thuyết phục ngân hàng cho vay vốn bằng cách ở lại cùng làm để đào tạo. Tuy nhiên không ngân hàng nào cho vay với lý do chưa bao giờ nấu bếp và không có tài sản bảo lãnh cho khoản vay.

Thật may mắn là bà Trà đồng ý bán lại quán theo hình thức trả góp. Ông vay mượn bạn bè cùng với toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để trả trước 20.000 Euro. Phần còn lại trả hàng tháng theo lãi suất ngân hàng.

phan viet phong.jpg
Từ bỏ mũ áo tiến sỹ, anh Phan Viết Phong khởi nghiệp với ẩm thực Việt Nam trên đất Pháp.

Tháng 7/2015, ông Phong chính thức rời Renault, cởi bỏ bộ vest, giày da, xếp lại tấm bằng tiến sĩ để bán nem trong một tiệm ăn nhỏ, cũ kỹ tại thành phố Grenoble.

Từ bàn tay chỉ quen cầm bút, làm việc trong phòng nghiên cứu, văn phòng máy lạnh, ông đã phải học cách gọt cà rốt, cắt tỉa, bào, xay, thái, lắc chảo, cuốn nem, chiên nem, dọn dẹp, lau nhà vệ sinh,...

“Tôi không nhớ tay tôi đã ứa máu bao lần, nhưng tôi luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng của sự hy vọng, đặc biệt là được dấn thân học hỏi những điều mới. Tôi như được thoả cơn khát của một người luôn khát khao học hỏi, trải nghiệm và khám phá vốn đã bị cầm tù bởi sự ngồi không trong cái vỏ hào nhoáng của một tiến sĩ làm việc ở Renault”, ông Phong hồi tưởng lại.

Ra kinh doanh được 2 tháng, vợ sinh con. Vừa chăm vợ, chăm con, vừa lo kinh doanh một mình, biết bao khó khăn và thử thách, nhưng lại giúp ông được “bung” hết con người mình, chỉ với một niềm tin rằng mình nhất định thành công trong việc đưa ẩm thực Việt trở nên được biết đến rộng rãi.

“Tôi đã thực sự nhập tâm vào con người mới, vào vai mới mà số phận trao cho mình. Suốt bao nhiều năm, dù bao khó khăn, thử thách chưa bao giờ tôi nghĩ đến hai chữ bỏ cuộc, dù rất nhiều chông gai, nhọc nhằn phía trước nhưng tôi vẫn thấy có tương lai”, ông chia sẻ.

Để nắm được toàn bộ hoạt động vận hành của quán, ngày nào tiến sỹ Phong cũng dậy từ 6h sáng, đi chợ mua nguyên liệu về chế biến món ăn, làm liên tục và bán hàng, dọn dẹp quán đến 22h mới đóng cửa về nhà. Buổi trưa hết khách mới tranh thủ ăn bát cơm chiên. Cứ như vậy ròng rã hơn một năm trời cho đến khi nắm được toàn bộ công việc và quán dần đi vào ổn định.

anh phong vao bep.jpg
Anh Phong trực tiếp đi chợ, vào bếp chế biến món ăn.

Thời gian đầu tiếp quản, dù doanh thu còn thấp, ông vẫn quyết tâm khai báo doanh số đầy đủ. Không giữ tiền mặt ra ngoài để trốn thuế, luôn đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động tài chính.

Hơn một năm sau, đánh giá quản lý tốt, doanh thu nhà hàng tăng hơn 30%, nên ngân hàng đã cho vay toàn bộ số tiền để trả cho bà Trà.

Duyên nợ và "sứ mệnh" được trao

Dù quán đã có lượng khách ổn định nhưng vấn đề gặp phải là nhà hàng thường vắng khách vào mùa hè, do quán chật và nóng. Khi ấy, tình cờ, mùa hè năm 2017, một lần ông Phong qua quán ăn Ôbobun (Ô bò bún - một món ăn thuần Việt với bún trộn cùng nem, tôm, rau, gia vị các loại,...) cách nhà hàng không xa. Ông Long, chủ của Ôbobun than thở quán… quá đông khách, không thể quản lý nổi và muốn sang nhượng.

“Dù chẳng có tiền nhưng tôi cứ hỏi đại. Cậu có bán không để tôi mua". Lúc ấy tôi cũng chưa có suy nghĩ nghiệm túc. Không ngờ mấy hôm sau anh Long gọi cho tôi để bàn việc chuyển nhượng Ôbobun”, ông kể.

Lại “nhắm mắt đưa chân”, ông ra ngân hàng làm hồ sơ vay vốn mua lại Ôbobun. Cũng nhờ minh bạch tài chính và có báo cáo tốt, ngân hàng biết rõ cả hai quán và thấy được sự cộng hưởng nên đã cho vay 100% vốn mà không cần thế chấp.

to bo bun.jpg
Bò bún của Ôbobun là món ăn thuần Việt nhưng đã chinh phục được người Pháp.

Khi tiếp quản Ôbobun, Phong vẫn làm việc với cùng một tâm thế muốn cải thiện hình ảnh ẩm thực Việt ở nước ngoài, lấy chất lượng làm đầu. Nhưng thách thức của các món ăn Việt ở nước ngoài là luôn bị cạnh tranh bằng giá rẻ.

“Món Việt phải rẻ” là hình ảnh đã đóng đinh trong tâm trí khách hàng ở nước ngoài. Ông Phong đã có những đêm dài phân tích chi phí, tìm kiếm nhà cung cấp chất lượng, đàm phán nhập liệu và tối ưu hóa quy trình sản xuất để tối ưu chi phí. 

Thách thức nữa là làm sao đảm bảo chất lượng món ăn luôn ổn định mỗi ngày trong suốt nhiều năm và khi mở rộng chuỗi? Vì số lượng nhân viên mỗi ngày một đông hơn, việc đảm bảo món ăn luôn có khẩu vị ổn định là cả một thách thức lớn, vì chỉ cần điều chỉnh lửa khác nhau, cho nguyên liệu này sau nguyên liệu khác là vị món ăn đã khác.

Cũng có lúc nghi ngờ bản thân và nghĩ đến việc từ bỏ ý định mở rộng chuỗi quán ăn Ôbobun, nhưng giấc mơ quốc tế hoá món ăn Việt lại tiếp thêm cho ông năng lượng.

co so bo bun.jpg
Một cơ sở Ôbobun tại Pháp.

“Cứ mỗi lần nghĩ đến một ngày Ôbobun trở thành một món quốc tế, được đứng riêng trong bảng xếp hạng thị trường với Burger, Pizza, Sushi vì có một thị trường riêng, chứ không phải bị gộp chung Thai/Việt/Chiness như hiện nay thì tôi lại thấy mình được thêm năng lượng. Nếu tôi có thể làm được điều đó, tôi tin tôi đã làm được một việc ý nghĩa cho quê hương và cả cộng đồng”, ông chia sẻ về hoài bão của mình.

Sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ, mọi việc cũng dần thuận lợi và phát triển theo hướng tốt đẹp hơn. Đến nay Ôbobun đã mở rộng ra 4 cơ sở và ngày càng có chỗ đứng trong lòng khách hàng.

Sau 8 năm nhìn lại, để có được thành công như ngày nay ông rút ra bí quyết là đã có những nguyên tắc nền tảng dựa trên sự thành thật, thẳng thắn và tôn trọng để làm theo những gì bản thân tin là đúng dù biết bao rủi ro, thử thách đang chờ ở phía trước.

anh phong cung nv.jpg
Anh Phan Viết Phong (ngồi giữa) với những nhân viên tại một cơ sở của Ôbobun.

Còn một điều sâu sắc nữa mà ông nhận ra khi ngồi nhìn lại sau 8 năm kinh doanh. Đó là khi mới ra kinh doanh, ông chỉ mong tìm được một hướng đi để kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Đi sâu vào kinh doanh, ông Phong nhận thấy mình gắn với công việc này.

“Tôi nhận ra cái nghiệp của tôi gắn với Ẩm thực Việt ở nước ngoài, gắn với Obobun, gắn với đời doanh nhân, gắn với sự kết nối tinh thần người Việt ở nước ngoài”, ông Phong chia sẻ.

nhan vien.jpg
Một nữ nhân viên tại Ôbobun.

Từng vay tiền từ 30 người để khởi nghiệp, cụ ông 82 tuổi trở thành tỷ phú đô la nhờ đế chế đồ ăn nhanh

‘Bắt tay’ NVIDIA, Việt Nam vươn tầm trong kỷ nguyên AI

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bo-ong-lon-o-to-tien-sy-nguoi-viet-khoi-nghiep-ban-bun-o-phap-2213579.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bỏ 'ông lớn' ô tô, tiến sỹ người Việt khởi nghiệp bán bún ở Pháp
    POWERED BY ONECMS & INTECH