Bộ Quốc phòng kiến nghị Đoàn Trinh sát của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển được ‘mở rộng’ thẩm quyền điều tra
Bộ Quốc phòng đã có công văn phúc đáp gửi Bộ Công an về việc tham gia ý kiến với Hồ sơ dự án Luật Tổ chức CQĐT hình sự sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2025.
Trong văn bản phúc đáp gửi Bộ Công an về việc góp ý dự thảo Luật Tổ chức CQĐT hình sự sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội thông qua năm 2025, Bộ Quốc phòng kiến nghị cho phép Đoàn Trinh sát của Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được thực hiện một số hoạt động điều tra, căn cứ vào chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm của các lực lượng này.

Tại dự thảo Luật, Bộ Công an đề xuất quy định: “Căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập hoặc giải thể Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương, CQĐT hình sự quân khu và tương đương, CQĐT hình sự khu vực”.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không tán thành với đề xuất này. Lý do được nêu là các cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân hiện đang được tổ chức tại các đơn vị quân đội, việc thành lập hoặc giải thể các cơ quan này thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phù hợp với quy định hiện hành.
Theo đó, Bộ Quốc phòng đề nghị giữ nguyên thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong việc quyết định thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, đổi tên hoặc giải thể cơ quan điều tra. Đồng thời, cần quy định rõ về tổ chức bộ máy, địa bàn hoạt động, con dấu và biên chế của các cơ quan điều tra thuộc Quân đội. Việc này được cho là sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định tổ chức cơ quan điều tra trong lực lượng Công an nhân dân, cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống tội phạm.

Đối với Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng đề xuất bổ sung “Đoàn Trinh sát” vào danh sách cơ quan được giao thực hiện một số hoạt động điều tra. Theo Bộ, Đoàn Trinh sát là đơn vị trực thuộc Cục Trinh sát, có chức năng trực tiếp đấu tranh với các loại tội phạm thuộc Chương XII của Bộ luật Hình sự, liên quan đến các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Nếu không được quy định là cơ quan có nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Đoàn Trinh sát sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống các loại tội phạm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng kiến nghị mở rộng thẩm quyền điều tra cho lực lượng Bộ đội Biên phòng đối với các tội danh quy định tại Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), Điều 232 (Tội vi phạm về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản), Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã) và Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm). Lý do đưa ra là trên thực tế, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phát hiện, bắt giữ hoặc tiếp nhận tin báo, tố giác liên quan đến các hành vi phạm tội này. Tuy nhiên, do không có thẩm quyền điều tra, họ buộc phải chuyển giao hồ sơ cho lực lượng khác, gây khó khăn trong việc mở rộng điều tra, thu thập chứng cứ và truy bắt các đối tượng liên quan một cách kịp thời.

Tương tự với đề xuất dành cho Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cũng kiến nghị bổ sung Đoàn Trinh sát của Cảnh sát biển vào danh sách các đơn vị được giao thực hiện một số hoạt động điều tra. Đoàn Trinh sát là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm pháp luật và xử phạt hành chính trên biển. Theo đó, Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát cần được trao quyền thực hiện một số hoạt động điều tra trong phạm vi nhiệm vụ được giao.
Nếu không quy định rõ ràng thẩm quyền cho Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn Trinh sát của Cảnh sát biển, sẽ dễ dẫn tới tình trạng phát hiện tội phạm nhưng không thể thu thập chứng cứ và tài liệu kịp thời, từ đó có nguy cơ bỏ sót hoặc bỏ lọt tội phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
>> Đề xuất tăng mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho học viên quân đội và công an