Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030
Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030.
Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các cơ quan liên quan để lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cụ thể, Bộ này đã đề xuất trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030, thay vì kết thúc vào ngày 31/12/2025 như quy định hiện hành.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp giữa bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ khi áp dụng đến nay, chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần khuyến khích tổ chức cũng như cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy tập trung đất đai với mục tiêu sản xuất quy mô lớn và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế nông thôn.
>> Hà Nội bổ sung, sửa đổi và gia hạn thời gian áp dụng bảng giá đất đến hết năm 2025
Theo như số liệu từ Bộ Tài chính, tổng thuế được miễn giảm qua các giai đoạn 2003-2010: Trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2020 trung bình khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021-2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Bộ Tài chính cho rằng dù làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước nhưng lại mang đến lợi ích lớn cho nền kinh tế nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.
Các địa phương cũng đều đánh giá cao hiệu quả của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và cho rằng chính sách này là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không gây ra xung đột với các cam kết quốc tế cũng như không làm phát sinh các vướng mắc trong quan hệ thương mại với các quốc gia khác.
Việc áp dụng chính sách này còn phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, giúp sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một hình thức hỗ trợ trực tiếp và thiết thực đối với khu vực tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Chính sách này không chỉ khuyến khích người nông dân gắn bó với đất đai mà còn tạo điều kiện để họ yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Dự kiến, nếu tiếp tục triển khai, khoản thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn sẽ lên tới 7.500 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030. Đây được coi là một khoản đầu tư tài chính quan trọng nhằm cải thiện đời sống người dân nông thôn, tạo thêm việc làm, đồng thời thúc đẩy hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp.
Nếu nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, chính sách này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp, góp phần thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế tại các khu vực nông thôn, và tạo nền tảng cho hội nhập quốc tế.
Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều địa phương đang tập trung triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Điều này đặc biệt quan trọng khi gần 70% dân số Việt Nam sinh sống ở nông thôn và phần lớn dựa vào sản xuất nông nghiệp làm sinh kế chính.
Chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn là động lực để người nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Đồng thời, chính sách này hỗ trợ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chính sách này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, củng cố vị thế và giá trị của ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng.