Hôm nay, tuyến metro hơn 43.000 tỷ đầu tiên tại thành phố giàu bậc nhất Việt Nam chính thức vận hành
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng với chiều dài tuyến chính là 19,7km.
Từ hôm nay (ngày 22/12), tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại, đánh dấu cột mốc quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông đô thị của TP. HCM.
Dự án này được khởi công từ ngày 24/7/2012. Đây là tuyến metro đầu tiên của thành phố với vai trò kết nối từ TP. Thủ Đức qua quận Bình Thạnh vào trung tâm quận 1.
Tuyến Metro số 1 không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông, hạn chế ùn tắc mà còn tăng cường hiệu quả vận hành của hệ thống xe buýt đồng hành trên các tuyến đường trùng lộ trình.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng với chiều dài tuyến chính là 19,7km, trong đó đoạn ngầm dài 2,6km xuyên qua trung tâm thương mại sầm uất và 17,1km đoạn trên cao.
Tuyến Metro số 1 khởi đầu tại Ga Bến Thành và kết thúc tại Ga Suối Tiên. Toàn tuyến có 14 nhà ga, bao gồm 3 ga ngầm là Ga Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son, cùng 11 ga trên cao lần lượt là Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Suối Tiên. Khu Depot.
>> Hơn 500 căn nhà thuộc siêu dự án Aqua City của Novaland đủ điều kiện mở bán
Nơi bảo dưỡng kỹ thuật, được đặt tại phường Long Bình, TP. Thủ Đức với diện tích 26ha.
Hệ thống metro sử dụng 17 đoàn tàu, mỗi tàu giai đoạn đầu có 3 toa và sẽ tăng lên 6 toa trong giai đoạn tiếp theo. Tàu đạt vận tốc tối đa 110km/h trên đoạn đường cao và 80km/h ở đoạn ngầm.
Dự án được chia thành 4 gói thầu chính, đến nay toàn bộ các hạng mục xây dựng đã hoàn thiện và nghiệm thu.
Nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa Metro và giao thông công cộng, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM phối hợp triển khai 150 xe buýt điện trên 17 tuyến, giúp hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga metro.
Hệ thống xe buýt điện do CTCP Xe khách Phương Trang (Futabuslines) vận hành. Mỗi tuyến buýt được thiết kế để tối ưu hóa khả năng kết nối với các ga metro:
Tuyến 153: Tàu thủy Bình An - đường Liên Phường (kết nối Ga An Phú).
Tuyến 154: Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi - Masteri An Phú (kết nối Ga Rạch Chiếc, Ga An Phú).
Tuyến 155: Bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát Thành phố (kết nối Ga Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ga Ba Son).
Tuyến 156: Bến xe buýt Sài Gòn - Ga Hòa Hưng (kết nối Ga Bến Thành).
Tuyến 157: Bến xe buýt Văn Thánh - Chung cư Đức Khải (kết nối Ga Thảo Điền).
Tuyến 158: Bến xe buýt Văn Thánh - Cư xá Thanh Đa (kết nối Ga Tân Cảng).
Tuyến 159: Chung cư Ngô Tất Tố - Ngã tư Hàng Xanh (kết nối Ga Văn Thánh).
Tuyến 160: Ga Văn Thánh - Vinhomes Central Park (kết nối Ga Văn Thánh).
Tuyến 161: Bến xe Văn Thánh - Bến xe Ngã Tư Ga (kết nối Ga Tân Cảng).
Tuyến 162: Chung cư Man Thiện - Trường THCS Hoa Lư (kết nối Ga Bình Thái, Ga Thủ Đức).
Tuyến 163: Cao đẳng Công Thương - Trường THCS Phước Bình (kết nối Ga Bình Thái).
Tuyến 164: Đại học Nông Lâm - Chung cư Topaz (kết nối Ga Khu công nghệ cao, Ga Đại học Quốc gia).
Tuyến 165: Đại học Nông Lâm - Khu công nghệ cao (kết nối Ga Khu công nghệ cao).
Tuyến 166: Đại học Quốc gia - Suối Tiên (kết nối Ga Đại học Quốc gia).
Tuyến 167: Đại học Nông Lâm - Khu chế xuất Linh Trung 1 (kết nối Ga Khu công nghệ cao).
Tuyến 168: Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Ngã tư Bình Thái (kết nối Ga Bình Thái, Ga Thủ Đức).
Tuyến 169: Vincom Thủ Đức - Ngã tư Tây Hòa (kết nối Ga Bình Thái).
Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê, Bình Dương ghi nhận thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này cao gấp 1,7 lần so với bình quân chung của cả nước.
Đứng ở vị trí thứ hai là Hà Nội với thu nhập bình quân đạt 6,86 triệu đồng/người/tháng. Đồng Nai giữ vị trí thứ ba với mức thu nhập 6,57 triệu đồng/người/tháng. TP. HCM xếp thứ tư với thu nhập bình quân 6,51 triệu đồng/người/tháng.