Bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ và chuyện của ThaiBev sau hơn 7 năm vào Sabeco (SAB)
Sau hơn 7 năm, Tập đoàn ThaiBev mới chỉ thu về hơn 57.000 tỷ đồng từ thương vụ rót vốn vào Sabeco (SAB).
Thương vụ sang tay trị giá gần 5 tỷ USD
Làn sóng thâm nhập thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, đặc biệt từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia vào năm 1976 và sau khi Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi có hiệu lực vào năm 1992. Các doanh nghiệp lớn của Thái Lan đã không ngừng đổ vốn vào thị trường Việt Nam với những bước đi nhanh chóng và tạo ra dấu ấn riêng. Trong đó, Công ty TNHH Thai Beverage (Tập đoàn ThaiBev) đã để lại dấu ấn với các thương vụ M&A lớn, đặc biệt là việc thâu tóm Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB).
Vào cuối năm 2017, ThaiBev đã mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu SAB, chiếm 53,59% vốn điều lệ với mức giá 320.000 đồng/cp, đúng bằng mức giá khởi điểm mà cổ đông Nhà nước đưa ra. Tổng số tiền đầu tư vào thương vụ này lên tới 110.000 tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD) và trở thành một trong những thương vụ "sang tay" lớn nhất lịch sử thị trường Việt Nam suốt 24 năm qua.
Sau khi ThaiBev tiếp quản, Sabeco đã thực hiện nhiều cải cách quan trọng về quản trị, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. ThaiBev đã hỗ trợ Sabeco mở rộng quy mô sản xuất và phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, cạnh tranh với các đối thủ lớn, đặc biệt là Heineken. Với chiến lược dài hạn và sự quản lý chặt chẽ, Sabeco đã có những bước tiến lớn trong việc gia tăng thị phần tại Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của Sabeco dưới "triều đại" của ông chủ người Thái |
>> Hồi kết kế hoạch dài 2 năm giúp Sabeco (SAB) vượt mặt Heineken
Sabeco dưới “triều đại” của ThaiBev
Trong báo cáo tài chính niên độ 2024 (1/10/2023 - 30/9/2024), Tập đoàn ThaiBev công bố Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 của Tập đoàn, chỉ sau Thái Lan. Doanh thu hợp nhất tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn này đạt hơn 60 tỷ baht (khoảng 1,76 tỷ USD), tương đương hơn 45.800 tỷ đồng. Tính trung bình, ông chủ người Thái ghi nhận khoảng 125,5 tỷ đồng doanh thu mỗi ngày tại Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đầu tư trong hơn 7 năm tiếp quản của ThaiBev, Sabeco phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ và các chính sách quản lý nghiêm ngặt liên quan đến đồ uống có cồn. Năm 2023, tiêu thụ bia tại Việt Nam được ước tính giảm khoảng 5% về giá trị, chịu ảnh hưởng lớn từ Nghị định 100 về xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Xu hướng giảm tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2024, với mức giảm khoảng 2-3%, trước khi thị trường có dấu hiệu ổn định trong quý III.
Sang đến đầu năm 2025, Nghị định 168 có hiệu lực, siết chặt mức phạt đối với hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiêu thụ bia, đặc biệt trong nhóm khách hàng có nồng độ cồn từ 0,05% trở lên. Chứng khoán Vietcap nhận định rằng dù phải đối mặt với áp lực ngắn hạn, Sabeco vẫn có khả năng kiểm soát rủi ro nhờ vị thế thị trường vững chắc và các chiến lược kinh doanh linh hoạt để duy trì tăng trưởng dài hạn.
Cổ phiếu SAB "bốc hơi" khoảng 59% từ đỉnh lịch sử |
Chờ “về bờ”
ThaiBev tiếp nhận 59,23% vốn Sabeco từ Bộ Công Thương hồi cuối năm 2017 khi cổ phiếu SAB đang neo vùng đỉnh lịch sử 320.000 đồng/cp (tương ứng giá 128.000 đồng/cp sau điều chỉnh). Đến hiện tại, thị giá của SAB chỉ còn 53.x - tương ứng giảm khoảng 59% so với thời điểm mua vào.
Xét từ góc độ đầu tư, thương vụ trị giá 110.000 tỷ đồng mà cổ đông ngoại thực hiện cách đây 7 năm vẫn chưa hòa vốn. Chiếu theo giá cổ phiếu hiện tại, giá trị tài sản theo vốn hóa mà công ty mẹ nắm giữ tại Sabeco chỉ còn hơn 45.100 tỷ đồng. Cộng thêm 12.025 tỷ đồng cổ tức nhận về sau hơn 7 năm, giá trị khoản đầu tư của ông chủ người Thái mới chỉ đạt 57.125 tỷ đồng, thấp hơn 48,9% so với giá gốc đã bỏ ra.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, khoản đầu tư của ThaiBev vào Sabeco là chiến lược dài hạn nhằm mở rộng sự hiện diện tại thị trường bia Việt Nam. Trong báo cáo mới đây, Astute Analytica dự báo ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 7,27% trong giai đoạn 2024-2032. Điều này cho thấy ngành công nghiệp bia tại Việt Nam không chỉ là điểm sáng của khu vực Đông Nam Á mà còn đóng vai trò quan trọng trong bức tranh toàn cầu.
Hiện Sabeco sở hữu danh mục sản phẩm đa dạng, từ phân khúc phổ thông đến cao cấp, giúp doanh nghiệp duy trì thị phần vững chắc. Với hệ thống phân phối rộng khắp và chiến lược mở rộng sản xuất, Sabeco được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của thị trường bia Việt Nam, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của ThaiBev.