Chớp cơ hội từ ‘cú đấm’ nồng độ cồn, Xanh SM nhiều khả năng vươn lên số 1 thị phần gọi xe công nghệ
Việc siết chặt quy định về nồng độ cồn đã "vô tình" mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gọi xe công nghệ như Grab, Be và Xanh SM.
Từ ngày 1/1/2025, Bộ Công an sẽ áp dụng Nghị định 168 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, thay thế các quy định hiện hành tại Nghị định 100. Một trong những điểm mới đáng chú ý là mức xử phạt nặng hơn đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia. Cụ thể:
- Nồng độ cồn dưới 0,05%: Không thay đổi với cả người điều khiển xe máy và ô tô.
- Nồng độ cồn từ 0,05% - 0,08%: Đối với xe máy tăng từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng, trong khi mức phạt với ô tô tăng lên 18-20 triệu đồng.
- Nồng độ cồn trên 0,08%: Mức phạt xe máy tăng từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng, trong khi tài xế ô tô bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng.
Bên cạnh việc tăng tiền phạt, Nghị định 168 còn áp dụng hệ thống điểm phạt thay cho việc đình chỉ giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, mỗi GPLX có 12 điểm/năm và sẽ bị trừ điểm tùy mức độ vi phạm. Khi điểm về 0, GPLX sẽ bị thu hồi và chỉ được cấp lại sau tối thiểu 6 tháng nếu người vi phạm thi đậu bài kiểm tra lại.
Những thay đổi này dự kiến sẽ làm giảm đáng kể số trường hợp lái xe sau khi uống rượu bia, đồng thời làm dịch chuyển hành vi tiêu dùng của người dân chuyển dịch khi ưu tiên sử dụng dịch vụ gọi xe sau khi uống rượu bia thay vì tự lái phương tiện. Đây được xem là một cơ hội tiềm năng đối với ngành dịch vụ gọi xe tại trường Việt Nam.
>> Nghị định 168 tăng mạnh mức phạt nồng độ cồn
Nguồn: Mordor Intelligence |
“Miếng bánh” béo bở từ thị trường gọi xe quy mô tỷ USD
Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường gọi xe tại Việt Nam sẽ đạt 1,05 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 2,56 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 19,5% trong giai đoạn 2025-2030.
Nhu cầu vận chuyển cùng với sự am hiểu công nghệ ngày càng tăng cao đã giúp dịch vụ gọi xe ngày càng được ưa chuộng. Dù vậy, “miếng bánh” thị trường này ngày càng “khó nuốt” trước sự cạnh tranh gay gắt giữa giữa các hãng taxi truyền thống (Mai Linh, Vinasun) và ứng dụng công nghệ (Grab, Gojek, Be, Xanh SM).
Mới đây, Gojek - một ứng dụng lớn đến từ Indonesia - đã chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau 6 năm hoạt động. Việc Gojek rút lui đã tạo điều kiện cho các ông lớn như Grab, Be và Xanh SM gia tăng thị phần. Grab hiện nổi bật với hệ sinh thái đa dạng và kinh nghiệm lâu năm trong khi Be đang không ngừng mở rộng dịch vụ và nâng cao khả năng cạnh tranh. Xanh SM dù là tân binh nhưng đã nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng nhờ mô hình taxi điện độc đáo và hệ sinh thái gắn kết với VinFast.
Theo thống kê từ Mordor Intelligence, trong quý IV/2023, Grab dẫn đầu với việc chiếm 58,68% thị phần xe 4 bánh tại Việt Nam. Đặc biệt, hãng xe taxi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chiếm 18,17% chỉ sau 7 tháng gia nhập, áp đảo các đối thủ cùng ngành như Be (9,21%), Gojek (5,87%), Mai Linh (2,66%) hay Vinasun (2,15%).
Lợi thế độc quyền có giúp Xanh SM chiếm lĩnh thị trường gọi xe công nghệ? |
Xanh SM: “Cờ trong tay” và cơ hội chiếm lĩnh ngôi vương trong thị trường gọi xe công nghệ
Hồi tháng 3/2023, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC), ông Phạm Nhật Vượng thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) với vốn ban đầu 3.000 tỷ đồng. Sau nhiều đợt tăng vốn, tính tới ngày 24/1/2024, vốn điều lệ của GSM đã tăng gấp 3 lần lên 9.666 tỷ đồng.
Thời điểm đó, màn chào sân chóng vánh của Xanh SM khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí tạo ra không ít quan điểm trái chiều về tính khả thi lẫn khả năng cạnh tranh của tân binh này. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một năm thành lập, Xanh SM đã ghi nhận nhiều thành tựu ấn tượng trước tốc độ “bành trướng” chưa từng thấy. Tính đến cuối tháng 6/2024, đội xe của hãng xe điện Việt lên tới 30.000 chiếc taxi cùng hàng chục nghìn xe máy điện. Nếu tính cả số lượng chủ xe VinFast hợp tác với ứng dụng qua nền tảng kinh doanh chia sẻ, quy mô của Xanh SM thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Trong nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp cũng ghi nhận doanh thu 5.746 tỷ đồng từ các giao dịch bán hàng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ khi thành lập, GSM đã đóng góp 24.715 tỷ đồng vào doanh thu của Vingroup.
Lý giải về sự thành công của Xanh SM, Mordor Intelligence nhận định: “Xanh SM là hãng được đánh giá tốt nhất về chất lượng dịch vụ, độ phủ, quy mô đội xe và sự hài lòng của khách hàng, so với các đối thủ taxi truyền thống và taxi công nghệ”.
Đặc biệt, việc Chính phủ khuyến khích sử dụng xe điện để giảm khí thải và ùn tắc giao thông đang tạo điều kiện thuận lợi cho Xanh SM, mở rộng hoạt động tại các đô thị lớn. Thói quen của người tiêu dùng cũng thay đổi để ngày càng ưa chuộng các phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường, qua đó mở ra tiềm năng phát triển cho các dịch vụ xe điện của Xanh SM.
Có thể thấy, việc siết chặt quy định về nồng độ cồn đã "vô tình" mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gọi xe công nghệ như Grab, Be và Xanh SM trong bối cảnh sử dụng phương tiện thay thế ngày càng gia tăng. Trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các hãng xe buộc phải tìm ra hướng đi riêng để giành lấy cơ hội tại thị trường đầy tiềm năng này.
Tận dụng bàn đạp từ lợi thế độc quyền taxi điện cùng những bước đi táo bạo, Xanh SM đang đứng trước cơ hội chiếm lĩnh thị phần từ các đối thủ Grab, Be, góp phần thay đổi thói quen di chuyển của người dân cũng như thúc đẩy công cuộc “phủ xanh Việt Nam”.
>> Bước đi chung của Vingroup và FPT trong việc đón đầu ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam