Vĩ mô

Bộ trưởng Công Thương: Ngóng cơ chế, nhà đầu tư uể oải không dám làm dự án điện

Quang Phong 26/10/2024 - 18:00

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu thực tế, hiện nay nhà đầu tư đang uể oải, không dám làm vì chưa rõ khi bỏ số tiền lớn đầu tư dự án điện thì cơ chế thu hồi vốn như thế nào.

Chiều 26/10, phát biểu tại tổ về Luật Điện lực sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, những quy định mới trong dự luật thực chất là chính sách phát triển năng lượng mới hoặc các cơ chế đã được đề cập ở nghị định, thông tư, nay được thể chế hóa vào luật.

Theo đó, dự luật lần này bổ sung các cơ chế đặc thù phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư nguồn điện hiện nay.

“Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 đã ban hành 1 năm nay nhưng tới giờ các nhà đầu tư vẫn uể oải, không dám làm vì nghe ngóng cơ chế”, ông Diên nói. Doanh nghiệp băn khoăn khi bỏ số tiền lớn ra đầu tư thì sẽ thu hồi như thế nào.

nguyen hong dien.jpeg
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện, qua đó hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, giá điện, truyền tải điện, điều độ điện… theo thị trường, nhưng có sự điều tiết của Nhà nước.

Bộ trưởng Công Thương cũng nêu thực tế chưa có doanh nghiệp nào đặt vấn đề đầu tư dự án truyền tải điện vì giá truyền tải quá thấp trong khi kinh phí đầu tư lớn. Cụ thể, giá truyền tải hiện nay với tỷ lệ 5-6% giá thành sản xuất điện, trong khi thực tế phải từ 30-35%. Do vậy, Luật Điện lực sửa đổi một số điều để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực truyền tải.

Theo quy hoạch điện 8 đến năm 2030, tổng công suất điện là 150.000 MW (gấp 2 lần hiện nay); đến năm 2050 đạt 530.000 MW. “Điều này đòi hỏi phải phát triển rất mạnh nguồn điện, nếu không có cơ chế thì khó đạt mục tiêu”, ông Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Diên, Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, nên cần phát triển năng lượng tái tạo, điện sạch. Nhưng cơ chế phát triển nguồn năng lượng sạch còn thiếu, chưa đồng bộ. “Nếu không sửa luật khó thu hút nhà đầu tư vào ngành điện”, ông Diên nói và nêu mong muốn Quốc hội thông qua dự luật tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu thực tế nguồn điện từ thủy điện hiện nay đã đến giới hạn, trong khi một dự án điện than đầu tư 5-6 năm, dự án điện khí 7-8 năm mới hoàn thành. Còn điện hạt nhân mới chỉ bắt đầu khởi động.

Do vậy, theo ông Nguyễn Hồng Diên nếu chậm ban hành Luật Điện lực sửa đổi ngày nào thì sẽ "chậm hàng năm trời" triển khai dự án điện. Điều đó dẫn tới nguy cơ mất an toàn, an ninh năng lượng quốc gia.

“Chúng tôi kiến nghị dự luật này được xem xét, thông qua trong một kỳ họp, để có cơ chế đủ mạnh, phát triển nhanh công suất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn điện”, ông Diên nói thêm.

>> Bộ Công Thương lên tiếng về đề xuất tái khởi động điện hạt nhân

Ông lớn mang công nghệ cao tới Việt Nam hỗ trợ lĩnh vực điện hạt nhân: Hiện diện tại 57 quốc gia, có tới 70 năm kinh nghiệm

Bộ Công Thương lên tiếng về đề xuất tái khởi động điện hạt nhân

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bo-truong-cong-thuong-ngong-co-che-nha-dau-tu-ue-oai-khong-dam-lam-du-an-dien-2335858.html
Bài liên quan
  • Bộ Công Thương nói về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân
    Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương ngày 23/11, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới và có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn. Về công nghệ sẽ lựa chọn công nghệ thế hệ mới đã được áp dụng thực tiễn.
  • Đề xuất Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đầu tư điện hạt nhân
    Tùy thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ, dự thảo Luật Điện lực sửa đổi quy định Thủ tướng sẽ có cơ chế đặc thù, để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
  • Đề xuất chính sách về phát triển điện hạt nhân
    Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đưa ra chính sách về phát triển điện hạt nhân, với đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia.
  • Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phát triển điện hạt nhân
    Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển điện hạt nhân; tiếp tục hoàn thiện các quy định, thể chế và cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện VIII.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ trưởng Công Thương: Ngóng cơ chế, nhà đầu tư uể oải không dám làm dự án điện
    POWERED BY ONECMS & INTECH