Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Mức thuế rất cao chẳng khác nào cấm vận, Mỹ không muốn tách rời Trung Quốc
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định Washington không theo đuổi mục tiêu “tách rời kinh tế” khỏi Bắc Kinh, mà thay vào đó muốn thúc đẩy một mối quan hệ thương mại “cân bằng hơn”.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 12/5 tại Geneva sau vòng đàm phán thương mại kéo dài một tuần giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Bessent cho biết, “Cả hai phái đoàn đều đồng thuận rằng không bên nào mong muốn bị tách rời. Những gì đã xảy ra với các mức thuế quan rất cao hiện nay chẳng khác nào một hình thức cấm vận — và không ai mong muốn điều đó. Chúng tôi muốn thương mại. Nhưng chúng tôi muốn thương mại với sự cân bằng”.

Tuyên bố này lặp lại thông điệp ông từng đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Fox News tuần trước, khi nhấn mạnh rằng điều Washington tìm kiếm là “một sân chơi công bằng”, thay vì chia cắt quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cùng ngày, Mỹ và Trung Quốc công bố tuyên bố chung, trong đó thông báo hai bên đã đạt được một thỏa thuận tạm thời kéo dài 90 ngày nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại đã gây căng thẳng song phương trong nhiều tháng qua.
Theo đó, từ ngày 14/5, hai nước sẽ tiến hành dỡ bỏ thuế quan theo hướng “có đi có lại” với tổng cộng 115%. Cụ thể, Washington sẽ tạm thời giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ mức 145% xuống còn 30%. Đáp lại, Bắc Kinh cũng hạ thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống còn 10%.
Tuy nhiên, mức thuế 20% mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lên các sản phẩm liên quan đến fentanyl nhập từ Trung Quốc sẽ vẫn được giữ nguyên. Đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong đàm phán và chưa được giải quyết trong thỏa thuận hiện tại.
Ngoài thuế quan, Trung Quốc cũng đồng ý sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp trả đũa phi thuế áp đặt từ ngày 2/4. Dù chưa công bố chi tiết cụ thể, bước đi này được đánh giá là động thái thiện chí nhằm giảm căng thẳng với Washington.
Trong giai đoạn trả đũa diễn ra hồi tháng 4, Bắc Kinh đã đưa đất hiếm – mặt hàng chiến lược quan trọng – vào diện xuất khẩu có kiểm soát, đồng thời phát động cuộc điều tra chống bán phá giá nhằm vào tập đoàn hóa chất Mỹ DuPont. Ngoài ra, nhiều công ty công nghệ và quốc phòng lớn của Mỹ cũng bị liệt vào danh sách đen.
Theo thỏa thuận mới, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sau ngày 2/4 sẽ được đưa ra khỏi diện hạn chế đầu tư và giao dịch tại Trung Quốc. Cuộc điều tra nhắm vào DuPont cũng sẽ bị đình chỉ. Tuy vậy, các biện pháp áp đặt trước ngày này – bao gồm vụ điều tra chống bán phá giá đối với Google công bố hồi tháng 2 – vẫn được giữ nguyên.
Bắc Kinh: Thỏa thuận là “bước tiến quan trọng”
Phía Trung Quốc đánh giá thỏa thuận lần này là “một bước tiến quan trọng” hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại kéo dài nhiều năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Mức thuế quan cao do Mỹ áp đặt đã gây tổn hại nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại song phương và phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu", người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.
“Tuyên bố chung là nỗ lực chung của cả hai bên nhằm giải quyết khác biệt thông qua đối thoại trên cơ sở bình đẳng, và đặt nền móng cho việc tăng cường hợp tác trong tương lai”, phía Bắc Kinh nhấn mạnh, đồng thời cho biết hai nước sẽ thiết lập một cơ chế tham vấn thường xuyên trong thời gian 90 ngày “đình chiến”.
Theo CNN
Mỹ 'xuống thang': Ông Trump chấp nhận phần lớn yêu cầu thương mại của Trung Quốc
Đồng loạt hạ thuế, Trung Quốc tuyên bố thỏa thuận thương mại với Mỹ là một chiến thắng lớn