Bộ trưởng Y tế: ‘Nhân dân hoang mang không biết đâu là hàng giả, hàng nhái’
Nhân dân rất hoang mang, ra thị trường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là giả, nhái”, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu thực tế.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế, sáng 23/5.
Theo người đứng đầu Bộ Y tế, cơ quan này đã tập trung thực hiện, hướng dẫn cho các địa phương, tổ chức thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên đây là lĩnh vực phức tạp.

Điểm lại những vụ việc gây bức xúc dư luận thời gian qua, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh tinh thần cuộc chiến với hàng giả phải làm nghiêm, không có vùng cấm. Thực tế, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đường dây, sản phẩm vi phạm, kể cả cán bộ liên quan trực tiếp đã được đưa ra xử lý theo pháp luật.
“Hậu kiểm ở địa phương làm chưa nghiêm”
Bà Lan nhấn mạnh, tinh thần chung trong quá trình xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật là tăng cường chế độ hậu kiểm. Các nội dung nhiệm vụ trên cơ sở rà soát đánh giá, phần lớn giao cho các cấp chính quyền, địa phương thực hiện, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Bộ trưởng Y tế nhận định, một trong những nguyên nhân tại các vụ án thời gian qua là “việc triển khai hậu kiểm ở địa phương làm chưa nghiêm”.
Thực tế, tại các địa phương, xác suất phát hiện vi phạm trong các đợt kiểm tra đột xuất khá cao. Đơn cử, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho hay, từ đầu tháng 4 đến nay, ngành y tế tỉnh đã kiểm tra 37 cơ sở kinh doanh sữa (sữa bột, sữa dinh dưỡng cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi), phát hiện 5 cơ sở vi phạm; kiểm tra dược phẩm, mỹ phẩm thực phẩm chức năng, có 25 trong 86 cơ sở vi phạm; kiểm tra 43 cơ sở về an toàn thực phẩm, phát hiện 9 nơi vi phạm... Tổng số tiền thu được từ việc xử lý vi phạm là hơn 1,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho biết các sàn thương mại điện tử hiện hoạt động sôi nổi, lực lượng chức năng đã phát hiện không ít cơ sở kinh doanh thuốc không đủ số đăng ký, không xuất hoá đơn trên môi trường điện tử. Có cơ sở khi phát hiện đã bán vài chục tỷ đồng chỉ một ngày.
Ông Hiền cũng chia sẻ khó khăn trong hậu kiểm tại địa phương, có thể chế, cơ chế, nhưng "thực tế có lỗ hổng trong ngành y tế". Theo ông, hiện trong lĩnh vực an toàn thực phẩm chỉ quy định một số sản phẩm Sở Y tế tiếp nhận đăng ký công bố, giám sát quy trình công bố, còn các cơ sở thực phẩm, mỹ phẩm chỉ căn cứ vào nội dung tự công bố rồi tiếp nhận.
Ở tỉnh nào số lượng công bố ít còn hậu kiểm được, những nơi số lượng nhiều, với lực lượng y tế hiện nay không thể đi hậu kiểm đầy đủ, khó khăn để đảm bảo sản phẩm cung ứng ra thị trường có đáp ứng an toàn hay không.
"Bộ Y tế cần nghiên cứu sản phẩm nào, thành phần nào bắt buộc phải công bố, kiểm nghiệm, định kỳ kiểm tra trong 6 tháng - 1 năm, để duy trì công bố chất lượng liên tục, đăng lên cổng quản lý an toàn thực phẩm, dược. Kiểm soát vậy, các cơ sở mới không dám làm hàng gian, hàng giả, còn không thì chỉ công bố đạt chất lượng lần đầu rồi những lần sau thì chất lượng giảm xuống vì tính thương mại, lợi nhuận", ông Hiền đề xuất.
Đẩy mạnh truy xuất hàng hóa để tạo niềm tin cho nhân dân
Theo Bộ trưởng Y tế, cần đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc, quản lý dữ liệu hàng hóa và phát hiện vi phạm.
Theo bà Lan, hiện Bộ Công an đã triển khai cơ sở dữ liệu ở trên toàn quốc, nếu phối hợp làm tốt việc này sẽ tránh việc các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Bởi việc truy xuất hàng hóa có thể giúp người dân nắm được cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận, sản xuất đúng quy định hay chưa. Việc này cũng tạo niềm tin cho nhân dân.
“Nhân dân rất hoang mang, ra thị trường không biết mặt hàng nào được phép lưu hành, mặt hàng nào là giả, nhái”, bà Lan nêu thực tế. Theo Bộ trưởng Y tế, phòng chống hàng giả phải được "diễn ra quanh năm" chứ không chỉ diễn ra trong tháng cao điểm rồi sau đó nghỉ thì "không ăn thua".
"Đề nghị các địa phương phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm phòng chống hàng giả, hàng lậu. Cơ quan chức năng không thể 24/24 được nhưng người dân ở đâu cũng có. Làm sao để hình thành văn hoá chống hàng giả", bà Lan nói.
>> Mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm giả trên cả nước