Bộ Xây dựng đã nhận hơn 110 văn bản kiến nghị gỡ khó dự án từ doanh nghiệp trong năm 2023
Theo Bộ Xây dựng, Tổ công tác đã xem xét, xử lý 126 văn bản, trong đó có 126 văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản.
Cụ thể, gồm: 8 văn bản của 6 địa phương; 115 văn bản của 73 doanh nghiệp; 2 văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) và 13 văn bản của người dân.
Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, xử lý 126 văn bản, trong đó có 126 văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xem xét, xử lý theo thẩm quyền 12 văn bản và ban hành 37 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án,...cho các địa phương như TP. Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Long, Sơn La, Thái Bình, Bình Định...
"Nhìn chung, theo báo cáo các địa phương đều đang tích cực rà soát, tổng hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn, nhưng hầu hết mới chỉ là các đôn đốc, chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho một cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp huyện của địa phương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết hoặc báo cáo xin ý kiến hướng dẫn", báo cáo nêu.
>> Việt Hưng, Lê Gia được tỉnh Bình Định tháo gỡ vướng mắc các dự án nghìn tỷ
Thực tế, đến nay Tổ công tác của TP. HCM đã giải quyết được khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bất động sản bị vướng mắc, khó khăn.
Theo đó, ba dự án bất động sản vừa được giải quyết vướng mắc gồm: Dự án khu phức hợp Sóng Việt; dự án xây dựng khu nhà ở xã hội của CTCP VTHouse và CTCP Tâm Giao; Dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.
Hiện vẫn còn 12 dự án được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP HCM. 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư làm nhà ở thương mại đang được hướng dẫn tháo gỡ...
Hay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổ công tác đặc biệt mới đây cho biết đã hoàn thành giải quyết 18 kiến nghị của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện vẫn còn 29 kiến nghị đang được Tổ tập trung giải quyết, chủ yếu liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường cho dự án, điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh tiến độ dự án; liên quan đến thủ tục đất đai; chuyển nhượng đất đai…
Bộ Xây dựng đánh giá, vẫn còn một số tồn tại như thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc nhất là về các thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, thị trường thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ; giá bất động sản tăng cao, nhất là nhà chung cư đang gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực; số lượng giao dịch và thanh khoản đã chuyển biến nhưng còn chậm...
Sang năm 2024, Bộ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thời sẽ hoàn thiện, duy trì thường xuyên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản để kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách...
>> Tuyến đường ‘tấc đất tấc vàng’ Đà Nẵng điều chỉnh hệ số giá đất
Nhà triệu USD ngày càng nhiều, nhà ở bình dân tìm không ra!
Luật Đất đai 2024 chưa có hiệu lực đã bị chuyên gia ‘soi’ ra điểm hạn chế