Ngày 26/7 tới đây, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có quyết định cuối cùng về việc chấp thuận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay không. Nếu được chấp thuận, cơ hội sẽ mở ra cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nhóm tôn mạ, thủy sản, dệt may.
Vào ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ với Việt Nam đã đẩy mạnh cuộc thảo luận liên quan đến khả năng coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Vào ngày 26/7 tới đây, Bộ Thương mại Mỹ sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có nâng hạng cho Việt Nam từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không.
Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường, BSC Research cho rằng sẽ ảnh hưởng đến 3 mặt gồm:
(1) Xuất khẩu: Mỹ là quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 97 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 30%. Trở thành nền kinh tế thị trường sẽ làm giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai, giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội cạnh tranh công bằng hơn tại thị trường này.
(2) Tỷ giá: Xuất khẩu tăng góp phần làm tăng giá trị đồng nội tệ, đồng thời giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để sử dụng các biện pháp ổn định tỷ giá khi cần thiết.
(3) Dòng vốn FDI: Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều là doanh nghiệp FDI (tính đến tháng 12/2023, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 355 tỷ USD chiếm hơn 73% tổng giá trị xuất khẩu). Việc giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế chống bán phá giá sẽ tạo thuận cho các doanh nghiệp, đồng thời đón xu hướng dịch chuyển nguồn vốn từ Trung Quốc.
Nguồn: BSC Research |
BSC Research cũng chỉ ra nhóm các doanh nghiệp được hưởng lợi gồm:
Nhóm thủy sản có cá tra (VHC, ANV, IDI) và tôm (FMC, MPC), việc giảm thuế chống bán phá giá sẽ tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và giúp các doanh nghiệp dễ dàng xuất khẩu vào Mỹ.
Nhóm dệt may có may mặc (TNG, MSH) không tác động nhiều bởi thuế quan ngành đang chủ yếu hưởng lợi ở các hiệp định FTA, tuy nhiên nhóm sợi (STK) sẽ tích cực do hiện tại sợi PTY đang được áp mức thuế chống bán phá giá từ 2.67% - 22,82%.
Nhóm tôn mạ (HPG, HSG, NKG) hưởng lại do một số sản phẩm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp do có nguồn gốc thép cuộn cán nóng xuất xứ từ Trung Quốc.
Đối với các nhóm gỗ (PTB, ACG), đá thạch anh (VCS), săm lốp (CSM, DRC) không hưởng lợi quá nhiều bởi các sản phẩm này đang bị đánh các loại thuế chống lẩn tránh nhằm phòng vệ đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất sang Việt Nam và sau đó tái xuất sang Trung Quốc.