Chứng khoán toàn cầu đỏ lửa, Nikkei 225 rơi vào vùng điều chỉnh trước lo ngại về thuế quan mới của ông Trump
Các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tỏ ra thận trọng, tránh các giao dịch lớn hoặc điều chỉnh danh mục để giảm rủi ro. Họ lo lắng về chính sách thuế đối ứng của ông Trump và tác động của nó lên nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương lao dốc vào thứ Hai (ngày 31/3) do các nhà đầu tư lo ngại về đợt áp thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến công bố trong tuần này.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 4,05% - đóng cửa ở mức 35.617,56 - mất gần 12% so với mức đỉnh hồi tháng 12; còn chỉ số Topix giảm 3,57% - xuống còn 2.658,73. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi kết phiên giảm 3% - xuống mức 2.481,12, còn chỉ số Kosdaq giảm 3,01% - xuống mức 672,85.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 1,54% - xuống 7.859,30. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số CSI 300 giảm 0,67%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 1,21%.

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng giảm khi nhà đầu tư chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về kế hoạch thuế quan của ông Trump. Tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc vào thứ Sáu (ngày 28/3) do lo ngại về chính sách thương mại và triển vọng lạm phát kém khả quan.
Chỉ số Dow Jones giảm 715,80 điểm (1,69%) xuống 41.583,90 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,97%, còn 5.580,94 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ năm trong sáu tuần qua. Chỉ số Nasdaq Composite lao dốc 2,7%, chốt phiên ở mức 17.322,99 điểm.
Cổ phiếu các tập đoàn công nghệ lớn đồng loạt giảm, gây áp lực lên thị trường. Alphabet (công ty mẹ của Google) mất 4,9%, trong khi Meta và Amazon đều giảm 4,3%.
Các nhà đầu tư trên toàn cầu đang tỏ ra thận trọng, tránh các giao dịch lớn hoặc điều chỉnh danh mục để giảm rủi ro. Họ lo lắng về chính sách thuế đối ứng của ông Trump và tác động của nó lên nền kinh tế. Và thực tế, mới đây, Mỹ đã chính thức tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng lên tất cả các quốc gia.

Dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây cho thấy niềm tin tiêu dùng giảm mạnh, trong khi giá cả có xu hướng tăng. Các chuyên gia của Goldman Sachs dự báo Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể hạ lãi suất ba lần trong năm nay do thuế quan kìm hãm tăng trưởng và đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao.
Ngoài ra, ông Trump cho biết có thể áp "thuế thứ cấp" lên dầu mỏ của Nga và các nước mua dầu từ Nga nếu không đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, nên quyết định này có thể tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ - hai khách hàng lớn nhất của Nga.
Tại châu Á, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3 đạt 50,5 điểm, đúng như dự báo của các chuyên gia do Reuters khảo sát và cao hơn mức 50,2 điểm của tháng trước.
Thị trường chứng khoán Thái Lan dự kiến sẽ mở cửa trở lại sau khi tạm ngừng giao dịch vào thứ Sáu do trận động đất ở Myanmar, khiến nhiều tòa nhà rung chuyển. Trong khi đó, chứng khoán Hàn Quốc có thể biến động mạnh khi lệnh cấm bán khống kéo dài 17 tháng vừa được dỡ bỏ.
Tuần này, Ngân hàng Trung ương Australia nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất khi cuộc tổng tuyển cử đang diễn ra, trong khi thị trường cũng chờ đợi dữ liệu kinh tế từ châu Âu. Cuối tuần, báo cáo việc làm của Mỹ sẽ là tâm điểm chú ý của giới đầu tư.
>> Nóng: Ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối ứng lên tất cả các quốc gia