Bức tranh tài chính của Coteccons (CTD) nhìn từ vụ kiện, yêu cầu mở thủ tục phá sản của Ricons
Câu chuyện Ricons gửi đơn kiện, yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons trong bối cảnh doanh nghiệp này đang trên đường đua cùng liên minh dự thầu ở sân bay Long Thành càng khiến sự việc thêm nóng.
Từ thông tin Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons
CTCP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán CTD) công bố thông tin ngày 24/7 vừa qua đã nhận được thông báo của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc “thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons”.
Ngay sau đó Coteccons có thông cáo báo chí liên quan việc tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Coteccons và Ricons. Thông tin cho biết, liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai Công ty.
Theo Coteccons, nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 07 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ, tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Coteccons cho rằng hiện tại công ty đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, còn với các tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. “Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này” – Coteccons nói thêm tại thông cáo báo chí.
Liên quan đến việc Ricons gửi đơn lên tòa án, facebook Bolat Duisenov lập tức lên dòng trạng thái. Dòng trạng thái này của ông Bolat nhận được khá nhiều bình luận cả xuôi chiều và trái chiều.
Thực hư câu chuyện thế nào, cùng tìm hiểu rõ hơn từ hai phía Coteccons và Ricons. Trước hết, cùng nhìn lại bức tranh tài chính của Coteccons – doanh nghiệp được cho là chủ lực hậu thuẫn trong liên doanh Hoa Lư đấu thầu dự án thành phần của sân bay Long Thành.
Bức tranh tài chính của Coteccons: kinh doanh sa sút mấy năm gần đây
Coteccons thành lập năm 2004 trên cơ sở cổ phần hóa một công ty thành viên của Tổng công ty Fico, hoạt động trong mảng xây dựng. Năm 2010 công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE, ký hợp đồng tổng thầu đầu tiên tại dự án khu phức hợp Casino – The Grand Hồ Tràm do Asian Coast Development Ltd làm chủ đầu tư. Năm 2012 đánh dấu thêm bước tiến mới khi bước đầu thành công với mô hình thiết kế và thi công (D&B).
Năm 2015-2017 Coteccons nổi lên khi thi công dự án Landmark 81 - một trong những tòa nhà cao nhất thế giới. Dự án này hoàn thàn giai đoạn 2018-2019 cũng là thời điểm ghi dấu ấn của Coteccons trên thị trường.
Năm 2015 là thời điểm Coteccons bắt đầu đạt thành tựu lớn khi doanh thu, lợi nhuận bắt đầu tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2012 trở về trước doanh thu cả năm của Coteccons dưới 5.000 tỷ đồng, thì năm 2013 đạt gần 6.300 tỷ đồng và 2015 bất ngờ tăng vọt lên 13.669 tỷt đồng. Lợi nhuận cũng từ mức 357 tỷ đồng năm 2014 lên hơn gấp đôi, đạt 733 tỷ đồng năm 2015.
Những năm sau đó doanh thu, lợi nhuận Coteccons liên tục tăng, đạt mức doanh thu cao nhất năm 2018 với 28.561 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao nhất ở năm 2017 với 1.653 tỷ đồng. Tuy vậy sau giai đoạn tăng trưởng đột phá, Coteccons rơi vào giai đoạn giảm sâu cả về quy mô doanh thu và lợi nhuận.
Năm 2019 doanh thu còn 23.733 tỷ đồng thì năm 2020 doanh thu giảm sâu xuống dưới 14.600 tỷ đồng. Năm 2021 ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19, doanh thu còn giảm xuống quanh mức 9.100 tỷ đồng. Lợi nhuận cũng giảm mạnh từ đỉnh hơn 1.600 tỷ đồng năm 2017 xuống hơn 700 tỷ đồng năm 2019. Và các năm 2021, 2022 lợi nhuận sau thuế chỉ tính bằng chục tỷ đồng.
Tài sản của Coteccons cũng có không có sự tăng trưởng đột biến. Nếu như thời kỳ đỉnh cao về kết quả kinh doanh, từ 2017-2019 tổng tài sản công ty giao động từ 15.900 tỷ đồng lên hơn 16.800 tỷ đồng, thì thậm chí năm 2020 tổng tài sản giảm xuống dưới 14.200 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2022 tổng tài sản đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng, không có quá nhiều đột biến so với 5 năm trước đó.
Năm 2022 tài sản Coteccons tăng 3.900 tỷ đồng so với năm 2021, tuy vậy kéo theo nợ phải trả tăng mạnh theo tương ứng xấp xỉ 3.900 tỷ đồng. Cộng với đó, Coteccons từng được xem là doanh nghiệp rất ít khi vay nợ thuê tài chính trước đó, đã có dư nợ vay hơn 1.000 tỷ đồng đến hết năm 2022, trong đó có 500 tỷ đồng vay nợ trái phiếu.
Mang tiền đi đầu tư chứng khoán, tạm lỗ 60 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 Coteccons đạt 14.537 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng hơn 60% so với cùng kỳ. Tuy vậy lợi nhuận đạt chưa tới 21 tỷ đồng - số lãi thấp so với quy mô doanh thu. Một trong những tiêu chí ảnh hưởng đến lợi nhuận trong năm là khoản tiền đi đầu tư chứng khoán. Tổng đầu tư chứng khoán lên đến gần 250 tỷ đồng, trong đó có 2 mã cổ phiếu đình đám là FPT (hơn 28 tỷ đồng) và MWG (gần 26 tỷ đồng)… Tuy vậy đầu tư không đúng thời điểm, công ty phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư hơn 60 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Coteccons còn có khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1.000 tỷ đồng, tăng gần 400 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi với tổng các khoản phải thu ngắn hạn (11.235 tỷ đồng) rất lớn, hơn 9%. Nợ xấu của Coteccons tập trung vào 2 đơn vị chính – là khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (hơn 483 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Minh Việt (gần 122 tỷ đồng).
Trên báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán của Coteccons còn ghi nhận giá trị hàng tồn kho là chi phí xây dựng dở dang tại Dự án Saigon Spirit hơn 130 tỷ đồng (tăng 123 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm) - dự án nhiều tiếng tăm của công ty con của Bitexco. Saigon Glory là công ty con của Bitexco, chủ đầu tư dự án saigon Spirit đang chìm trong nợ trái phiếu. Những lô trái phiếu quá hạn trả đang chờ kết quả đàm phán với trái chủ. Từ năm 2021 đến nay khoản đầu tư chi phí xây dựng công trình dở dang đối với hạng mục này không được Coteccons trình bày chi tiết.
(Nguồn: BCTC Coteccons năm 2020 đã kiểm toán)
Những khoản liên quan Ricons trên báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính năm 2022 ghi nhận những khoản liên quan Ricons gồm: (1) Đầu tư vào đơn vị khác - Coteccons có khoản đầu tư giá trị hơn 301,6 tỷ đồng, chiếm 14,3% vốn điều lệ của Ricons. (2) Phải trả người bán ngắn hạn - Coteccons có khoản phải trả hơn 321 tỷ đồng với Coteccons (tăng 5,5 tỷ đồng so với đầu năm). Không xuất hiện chi tiết khoản phải thu với Ricons.
Trên thực tế, những năm trước đó giao dịch giữa Coteccons mỗi năm rất lớn. Năm 2018 phải trả người bán ngắn hạn đối với Ricons hơn 2.000 tỷ đồng; năm 2017 cũng trên 1.100 tỷ đồng.
Trước đó nghiệp vụ với bên liên quan là Ricons cũng hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có cả nghiệp vụ chi phí xây dựng, mua bán vật liệu, nhận cổ tức, cho thuê thiết bị, mua thanh lý dụng cụ…
Vậy trên báo cáo tài chính của Ricons, những khoản liên quan tới Coteccons được trình bày ra sao? Câu chuyện đến từ 2 phía, và thông tin tìm hiểu cũng đến từ hai phía.