Bước đầu tiên của dự án hơn 360.000 tỷ xây dựng hệ thống ga đường sắt đầu mối TP. Hà Nội
Bộ Giao thông vận tải đã bắt đầu cho bước đầu tiên nhằm hoàn thiện Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.
Theo báo Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ký quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.
Theo đó, Hội đồng thẩm định bao gồm 26 thành viên là lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng; Cục An ninh Kinh tế - Bộ Công an; Vụ Phát triển hạ tầng đô thị - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng; Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Vụ Kế hoạch - Bộ Công thương; Vụ Công nghệ và Hạ tầng - Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Sở GTVT Hà Nội; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội; Sở Xây dựng Vĩnh Phúc; Sở GTVT Hà Nam; Sở GTVT Bắc Ninh; Sở GTVT Hưng Yên; Sở GTVT Thái Nguyên và lãnh đạo một số cơ quan tham mưu của Bộ GTVT.
Trong đó, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT làm Chủ tịch. Ông Lê Công Thành - Tiến sĩ, Giám đốc Viện công nghiệp đường sắt - Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và ông Nguyễn Văn Bính - Chuyên gia, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam sẽ là 2 Uỷ viên phản biện của Hội đồng.
Theo dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất cải tạo, duy trì hoạt động 5 tuyến đường sắt hướng tâm hiện hữu gồm: Hà Nội - TP. HCM; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Thái Nguyên. Đồng thời, Cục đề xuất chuyển đổi công năng các đoạn tuyến đường sắt quốc gia trong nội đô gồm các đoạn tuyến: Ngọc Hồi - ga Hà Nội - Yên Viên; Gia Lâm - Lạc Đạo.
Dự thảo đề xuất xây dựng 4 tuyến trên các hành lang gồm: Hà Nội - TP. HCM (đường sắt tốc độ cao), Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Quảng Ninh (trên cơ sở tuyến Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân).
Hệ thống đường sắt vành đai đi dọc theo đường bộ Vành đai 4 được phát triển theo dự thảo gồm: Vành đai phía Đông kết nối từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi; Vành đai phía Tây kết nối từ Ngọc Hồi - Thạch Lỗi.
Hệ thống đường sắt quốc gia trong Hà Nội không tổ chức xuyên tâm hoặc hướng tâm vào sâu trong lõi đô thị, việc kết nối các khu vực này sẽ thông qua hệ thống giao thông công cộng. Kết nối từ ga đầu mối Ngọc Hồi với trung tâm Hà Nội là tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (có thể kéo dài kết nối cảng hàng không thứ 2 Hà Nội).
Để tăng liên kết với đường sắt tốc độ cao, đơn vị tư vấn kiến nghị điều chỉnh ga cuối của tuyến đường sắt đô thị số 6 Ngọc Hồi - sân bay Nội Bài từ Vĩnh Quỳnh sang ga Ngọc Hồi. Tổng vốn đầu tư khái toán đường sắt khu đầu mối TP. Hà Nội là 367.380 tỷ đồng.