Các ‘cá mập’ của Shark Tank đều tỏ ra hào hứng với mô hình sổ bán hàng điện tử, giúp các chủ tiệm tạp hóa có thể chuyển đổi số công việc kinh doanh.
Trong tập 9 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 vừa được phát sóng, startup Sổ Bán Hàng - ứng dụng quản lý bán hàng trên điện thoại di động cho các tiểu thương đã gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư.
Đây là ứng dụng di động do hai anh em Bùi Hải Nam, Bùi Hải Long phát triển, nhắm tới đối tượng sử dụng là các chủ kinh doanh nhỏ trong lĩnh vực F&B, tạp hóa, bán lẻ, đổ sỉ… có độ tuổi từ 20 – 45 tuổi.
Theo hai nhà sáng lập, Sổ Bán Hàng ra đời từ giữa đại dịch Covid-19 với mô hình “freemium” - cung cấp tính năng cơ bản, miễn phí sử dụng. Sau 2 năm, startup này đã có hơn 500.000 người dùng.
Đến tháng 2/2023, Sổ Bán Hàng bắt đầu áp dụng thu phí thuê bao tháng từ 100.000 -300.000 đồng với các tính năng cao cấp, chuyên sâu hơn cho từng ngành nghề. Ứng dụng này hiện có gần 10.000 người dùng trả phí, với mức doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.
Nhà sáng lập Bùi Hải Nam cho biết, tuy Sổ Bán Hàng đã có doanh nhu nhưng vẫn ở trong giai đoạn đầu tư. Do đó, mỗi tháng startup này vẫn đang lỗ khoảng 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, Sổ Bán Hàng vẫn bù đắp được khoản lỗ này nhờ kêu gọi được nguồn vốn vay chuyển đổi từ các nhà đầu tư. Với doanh thu đang tăng lên từ 10 - 15% hàng tháng, dự kiến 3 tháng tới startup sẽ dừng “đốt tiền” và có dòng tiền dương.
Đến với Shark Tank, 2 nhà sáng lập của Sổ Bán Hàng kêu gọi các shark đầu tư tối thiểu 1 tỷ đồng theo hình thức vốn vay chuyển đổi và chiết khấu tới 20% khi doanh nghiệp có định giá.
Trước chia sẻ của startup, 3 trong 5 “cá mập” của Shark Tank đã bị thuyết phục và đưa ra đề nghị rót vốn.
Theo Shark Lê Hàn Tuệ Lâm, cô đã từng nghiên cứu về thị trường này ở cả Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản nên hiểu rằng đây là thị trường rất cạnh tranh. Chính vì thế, Shark Tuệ Lâm đề nghị đầu tư khoản vay chuyển đổi 100.000 USD, chiết khấu 20% hoặc trên cơ sở định giá 15 lần doanh thu của startup trong 12 tháng tính từ thời điểm rót vốn.
Từng làm trong ngành thương mại điện tử, Shark Erik nhận định mô hình của Sổ Bản Hàng rất ấn tượng. Chính vì thế, ông mời Shark Tuệ Lâm cùng tham gia đầu tư cho startup với tổng số tiền là 200.000 USD trên mức định giá doanh nghiệp gấp 15 lần doanh thu.
Với Shark Hùng Anh, ông đề nghị đầu tư 500.000 USD cho startup. Chủ tịch Bin Corporation Group cũng cho rằng Sổ Bán Hàng có thể áp dụng mô hình này để làm một phiên bản khác bán ra thị trường nước ngoài.
Cảm kích trước đề nghị đầu tư hào phóng của Shark Hùng Anh, nhưng nhà sáng lập Bùi Hải Nam cho biết hiện tại Sổ Bán Hàng đang muốn tập trung vào thị trường Việt Nam. Vì thế, startup này chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Erik và Shark Tuệ Lâm với số tiền 200.000 USD chuyển đổi cổ phần theo định giá gấp 15 lần doanh thu, nhiều hơn 4 lần so với số vốn kêu gọi ban đầu.