Cả nước thiếu 120.000 giáo viên, Bộ GD-ĐT hành động khẩn để tìm người 'gieo chữ'
Tính đến hết học kỳ I năm học 2024–2025, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non và phổ thông công lập.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cả nước hiện còn thiếu hơn 120.000 giáo viên. Mặc dù đã được Trung ương chấp thuận bổ sung 65.980 biên chế giáo viên từ năm 2022, nhưng đến nay, các địa phương mới chỉ tuyển dụng được khoảng 6.000 người, để lại khoảng 60.000 biên chế chưa sử dụng.
Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ là vấn đề mới phát sinh mà đã tồn tại trong nhiều năm qua. Nguyên nhân chủ yếu bao gồm: nhiều giáo viên nghỉ việc, nguồn tuyển dụng khan hiếm, sức hút vào ngành giáo dục giảm sút, và quá trình tuyển dụng tại các địa phương diễn ra chậm chạp. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với các môn học mới như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật càng làm tăng nhu cầu về giáo viên chuyên môn.
Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên để đảm bảo đủ số biên chế được giao. Bộ nhấn mạnh không để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên.
![]() |
Khoảng 60.000 biên chế giáo viên còn chưa sử dụng. Ảnh minh họa |
>> Bỏ Phòng GD&ĐT, cấp xã được trao quyền tuyển giáo viên
Bên cạnh đó, Bộ đề nghị các địa phương thực hiện các giải pháp như: thông tin rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng; có cơ chế, chính sách thu hút giáo viên về công tác tại địa phương; đặt hàng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo theo nhu cầu; tăng cường bồi dưỡng giáo viên sử dụng thông thạo tiếng dân tộc thiểu số nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy học bằng ngôn ngữ này.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm học, từng cấp học, môn học từ năm học 2026–2027 đến năm học 2030–2031 và báo cáo Bộ.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục; thu gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương. Bộ cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.