Cá thịt trắng cực phẩm của Việt Nam ‘mắc cạn’ vì giống yếu
Dù được kỳ vọng sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực thứ hai sau cá tra, cá rô phi Việt hiện vẫn “lép vế” so với các đối thủ trong khu vực do những rào cản lớn về chất lượng giống.
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu thế giới về nuôi trồng và xuất khẩu cá tra – một trong những dòng cá thịt trắng quan trọng. Tuy nhiên, với cá rô phi – một loài cá cũng thuộc nhóm thịt trắng – thì thành tích xuất khẩu còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cá rô phi Việt chưa thể cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu là do chất lượng giống chưa cao, trong khi việc sản xuất giống trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Hiện nay, phần lớn giống cá rô phi nuôi tại Việt Nam đều được nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Philippines, Na Uy và Israel. Các dòng cá phổ biến gồm GIFT (Genetically Improved Farmed Tilapia), Genomar, cá rô phi Thái Lan và Đường Nghiệp – đều đã trải qua quá trình lai tạo chọn lọc nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng, chất lượng thịt và khả năng xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào giống ngoại làm tăng chi phí sản xuất và khiến ngành thiếu tính chủ động, nhất là trong bối cảnh biến động thương mại quốc tế. Giá giống GIFT/GST thường cao gấp 1,5–2 lần so với giống thường. Điều này khiến nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ ngần ngại đầu tư và quay về sử dụng các loại giống trôi nổi, chất lượng thấp.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng là tình trạng thoái hóa đàn cá bố mẹ. Ước tính có tới 70% đàn cá bố mẹ hiện nay đã bị suy giảm chất lượng di truyền, tốc độ sinh trưởng chậm, nhất là ở các dòng cá chịu mặn. Nhiều cơ sở sản xuất giống trong nước không tuân thủ đúng quy trình chọn lọc, khiến các thế hệ F2, F3 trở đi ngày càng kém hơn giống gốc.
Không chỉ vậy, vào mùa đông, các trại cá ở miền Bắc thường xuyên thiếu giống chất lượng cao. Điều này gây khó khăn cho việc duy trì và mở rộng sản xuất theo mùa vụ, đồng thời khiến nguồn cá giống cung cấp cho người nuôi thiếu ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng.
![]() |
Thành tích xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, ngành nuôi cá rô phi cũng đối mặt với các vấn đề như thiếu quy hoạch vùng nuôi hợp lý, dịch bệnh trong mô hình nuôi lồng bè diễn biến phức tạp và đặc biệt là khó khăn về tài chính. Nhiều hộ nuôi, cơ sở sản xuất giống gặp rào cản lớn khi vay vốn do lãi suất cao, hạn chế tiếp cận tín dụng. Điều này cản trở quá trình đầu tư vào cải thiện chất lượng giống cũng như mở rộng quy mô sản xuất.
Nguyên nhân cốt lõi khiến ngành cá rô phi Việt Nam chưa thể bứt phá là do hạn chế về công nghệ và nghiên cứu phát triển giống trong nước. Các chương trình nghiên cứu giống mới chưa được đầu tư đúng mức, trong khi hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, tổ chức liên quan vẫn còn khiêm tốn.
Sự thiếu đầu tư đồng bộ này khiến Việt Nam khó nâng cao chất lượng và số lượng giống cá rô phi nội địa, dẫn đến sự lệ thuộc kéo dài vào nguồn giống ngoại.
Việt Nam đặt mục tiêu đạt sản lượng cá rô phi khoảng 400.000 tấn vào năm 2030, hướng tới xây dựng loài cá này trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực thứ hai sau cá tra. Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Đầu tư vào nghiên cứu giống nội địa, phát triển các dòng cá phù hợp với điều kiện nuôi trồng trong nước.
Hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống và hộ nuôi.
Ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến như mô hình Biofloc để tăng năng suất, giảm ô nhiễm và hạn chế dịch bệnh.
Quy hoạch lại vùng nuôi, kiểm soát tốt môi trường và dịch bệnh.
Xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời giữ vững các thị trường truyền thống.
>> Loại 'cá nhà nghèo' của người Việt, giá rẻ hều nhưng canxi nhiều gấp 25 lần cá hồi