Loại 'cá nhà nghèo' của người Việt, giá rẻ hều nhưng canxi nhiều gấp 25 lần cá hồi
Cá cơm góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của nước mắm truyền thống và là món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong 100g cá cơm chứa đến 232mg canxi, trong khi cùng khối lượng, cá hồi chỉ có 9mg. Như vậy, hàm lượng canxi trong cá cơm cao gấp 25,7 lần cá hồi – một con số khiến nhiều chuyên gia dinh dưỡng không khỏi kinh ngạc.
Ngoài ra, cá cơm chứa khoảng 131 calo, 20,35g protein, 4,84g chất béo cùng nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin A, B6, B12, C, D, E, sắt, magie, natri, kali, kẽm, niacin, folate, thiamin, riboflavin. Đặc biệt, cá cơm là nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào, có lợi cho hệ tim mạch và não bộ.
![]() |
Cá cơm là loại cá "nhỏ nhưng có võ" trong mâm cơm Việt. Ảnh minh họa |
Với hàm lượng dinh dưỡng phong phú, cá cơm mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe:
Tốt cho tim mạch: Omega-3 trong cá cơm giúp giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Hỗ trợ xương chắc khỏe: Hàm lượng canxi cao giúp tăng cường mật độ xương, phòng ngừa loãng xương.
Cải thiện thị lực: Vitamin A và omega-3 hỗ trợ bảo vệ mắt, giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng.
Tăng cường miễn dịch: Các vitamin và khoáng chất trong cá cơm giúp nâng cao sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Việt Nam sở hữu nguồn cá cơm phong phú, với sản lượng khai thác trung bình hàng năm từ 20.000 đến 22.000 tấn. Mùa khai thác chính thường diễn ra từ tháng 11 âm lịch đến tháng 3-4 năm sau. Gần đây, ngư dân tại Nghệ An đã lập kỷ lục khi đánh bắt được 26 tấn cá cơm chỉ trong một ngày đêm.
Cá cơm không chỉ được sử dụng để làm nước mắm mà còn chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cá cơm chiên giòn, cá cơm kho, gỏi cá cơm. Ngoài ra, cá cơm khô cũng là món ăn vặt phổ biến, giàu dinh dưỡng.