Các cuộc biểu tình phản đối ‘du lịch đại trà’ lan khắp châu Âu
Ngày chủ nhật tuần vừa qua (21/7), hàng nghìn người biểu tình chống “du lịch đại trà” đã xuống đường tuần hành tại thành phố Palma de Mallorca, Tây Ban Nha. Đây là cuộc biểu tình mới nhất nhắm vào một ngành công nghiệp then chốt của quốc gia Nam Âu này.
Người biểu tình mang theo các mô hình tự chế tạo hình máy bay và tàu du lịch, diễu hành qua các đường phố của thủ phủ Mallorca. Họ cầm các biểu ngữ với nội dung "Nói không với du lịch đại trà" và "Dừng các chuyến bay riêng".
Các nhà hoạt động chống tác động tiêu cực của du lịch đại trà đã tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình trong năm nay tại Barcelona và các điểm du lịch nổi tiếng khác như Palma de Mallorca, Malaga và quần đảo Canary. Họ cho rằng khách du lịch làm tăng chi phí nhà ở, khiến người dân địa phương không thể đủ khả năng sinh sống ở trung tâm thành phố.
Cuộc biểu tình này phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về tác động của du lịch đại trà đối với cộng đồng địa phương tại các điểm đến du lịch nổi tiếng ở Tây Ban Nha.
Ông Pere Joan Femenia, đại diện tổ chức đấu tranh vì du lịch bền vững Menys Turisme, Mas Vida - đơn vị tổ chức cuộc biểu tình, chia sẻ với báo Reuters rằng người biểu tình mong muốn giảm lượng khách du lịch trên đảo.
"Du lịch đại trà đang gây khó khăn cho người dân địa phương. Họ không đủ khả năng sống trên chính quê hương mình vì giá nhà cho thuê du lịch tăng cao. Vào mùa hè, du khách tràn ngập các bãi biển và gây áp lực lên dịch vụ công," ông nói.
"Chúng tôi muốn hạn chế du lịch đại trà và cấm người ngoài địa phương mua nhà chỉ để ở vài tháng mỗi năm hoặc đầu cơ bất động sản du lịch."
Theo Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha, sau Catalonia, Quần đảo Balearic là điểm đến thu hút nhiều du khách thứ hai của Tây Ban Nha trong năm ngoái, với 14,4 triệu lượt khách.
Dữ liệu từ Exceltur, một tổ chức ngành du lịch, cho thấy du lịch đóng góp 45% tổng sản phẩm quốc nội của Quần đảo Balearic. Trong quý I năm nay, Tây Ban Nha đón 16,1 triệu lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm ngoái, du khách chi tiêu 109 tỷ euro (tương đương 118,56 tỷ đô la) tại Tây Ban Nha, cao hơn nhiều so với con số 63,5 tỷ euro tại Pháp.
Du lịch cần tập trung ‘chất lượng hơn số lượng’
Hiện tượng "Ám ảnh du lịch" đang tái diễn tại châu Âu, với các cuộc biểu tình phản đối du lịch đại trà bùng phát ở nhiều thành phố lớn. Tình trạng này gợi nhớ đến làn sóng biểu tình năm 2017 tại Barcelona (Tây Ban Nha) và Venice (Ý), từng khiến Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) phải lên tiếng bảo vệ ngành du lịch.
Ông Peter Debrine, đại diện UNESCO, cảnh báo với rằng tình hình có thể trở nên bất ổn nếu chính quyền châu Âu không giải quyết được tác động tiêu cực của du lịch đại chúng. "Xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thay đổi. Các quan chức được bầu phải phản hồi những mong muốn của cư dân," ông nhấn mạnh.
Nhiều thành phố đã áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch. Venice cấm tàu du lịch lớn vào năm 2021 và áp dụng thuế du lịch 5 euro vào những ngày cao điểm, mặc dù hiệu quả vẫn chưa rõ ràng. Barcelona đang xem xét tăng thuế du lịch, giới hạn tàu du lịch và hạn chế cho thuê nhà ngắn hạn.
Debrine đề xuất chiến lược "chất lượng hơn số lượng", ưu tiên du khách chi tiêu cao thay vì du lịch đại trà. Chiến lược này đã được nhiều nơi áp dụng sau đại dịch COVID-19. Ông cũng kêu gọi du khách có ý thức hơn khi lựa chọn điểm đến, gợi ý thành phố Tarragona thay vì Barcelona quá tải.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó khi lượng du khách tiếp tục tăng. Thành phố Venice dự kiến đón 540.000 lượt khách tàu biển trong năm nay, tăng 9% so với năm ngoái. Thủ đô Hà Lan Amsterdam cũng phải đối mặt với vấn đề du khách có hành vi không phù hợp, dẫn đến việc người dân địa phương phát động chiến dịch cảnh báo một số nhóm du khách "tránh xa" thành phố.
Các nhóm dân sự tại Barcelona đang kêu gọi "giảm phát du lịch" thông qua các biện pháp như tăng thuế và hạn chế cho thuê ngắn hạn. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát năm 2023, số người cho rằng du lịch có lợi cho thành phố đang giảm dần, trong khi số người cảm thấy du lịch gây hại đang tăng lên.
Đến nay, các thành phố điểm đến du lịch hàng đầu châu Âu vẫn đang tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ cuộc sống người dân địa phương. Vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía: chính quyền địa phương, ngành du lịch và cả chính du khách.
Theo CNBC, Reuters
>> Tây Ban Nha nhận về khoản tiền khủng với chức vô địch Euro 2024
Lộ diện thành phố châu Á được vinh danh là điểm đến du lịch an toàn nhất thế giới
Triều Tiên sắp hoàn thành siêu dự án khu nghỉ dưỡng du lịch hạng sang lớn nhất cả nước